'Giỗ đầu' cụ Nghị sau 40 năm oan sai: 'Tôi không ăn cướp'

Trung Hiếu
Trung Hiếu
13/11/2019 11:12 GMT+7

Hôm qua (12.11) là đám giỗ đầu tiên mà cụ Nguyễn Thành Nghị chính thức được minh oan sau 40 năm oan sai.

Dù qua đời hơn 8 năm nhưng giỗ cụ Nguyễn Thành Nghị năm nay được gia đình coi là “giỗ đầu”. Bởi cụ và 7 người trong vụ án oan sai cách đây 40 năm ở Tây Ninh vừa được chính thức được minh oan và công khai xin lỗi.
Sáng 12.11, căn nhà nhỏ của cụ Nguyễn Thành Nghị ở ấp Định Phước, xã Định Hiệp, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) rộn rã tiếng nói cười vì con cháu và người thân về làm đám giỗ lần thứ 8 cho cụ. Họ đến chung vui vì vừa rồi cả gia đình cụ chính thức được minh oan. Đám giỗ năm nay, gia đình tổ chức 8 bàn, mạnh dạn mời nhiều người thân, bạn bè, lối xóm thay vì chỉ làm nội bộ gia đình như những năm trước.

Đám giỗ đầm ấm đầu tiên sau khi được giải oan

Thắp cho chồng nén nhang lên bàn thờ, cụ Võ Thị Thương (94 tuổi) bồi hồi nhìn di ảnh chồng rồi khấn: “Năm nay cả nhà làm đám giỗ cho ông cũng là dịp báo tin mừng là vợ chồng mình và các con chính thức được minh oan. Gia đình sẽ nhận được một số tiền bồi thường. Mong ông về chứng giám”.

Vợ chồng cụ Võ Thị Thương chụp hình chung khi cụ Nguyễn Thành Nghị chưa mất

Trung Hiếu chụp lại hình tư liệu của gia đình

Năm 1983, sau 3 năm 9 tháng 14 ngày bị tù oan, ra tù cả gia đình cụ Thương phải sống trong tình cảnh trốn chui, trốn lủi. Cuối cùng không chịu được sự dè bỉu của người đời, vợ chồng cụ phải bồng bế, dắt díu con cái bỏ quê nhà ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) lên Dầu Tiếng sinh sống dựa dẫm vào rừng cao su vắng vẻ, khuất người. Đến nay vợ chồng cụ Thương đã có gần 40 cháu, chắt cả nội lẫn ngoại.

Thời gian trước khi được Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 31.10, cụ Thương chuyển sang nhà con gái ở gần đó sống vài ngày để con cháu vay tiền sửa lại ngôi nhà nhỏ của ông bà để kịp làm đám giỗ cụ Nghị. Sau biến cố bất ngờ ập tới, cả gia đình cụ Thương chưa bao giờ được hưởng một ngày sung túc. Cho nên cụ Thương muốn giỗ năm nay, cụ Nghị phải “được ở” trong ngôi nhà tươm tất như cụ từng mong ước. Ngôi nhà nhỏ sau khi sửa đã khang trang hơn trước, có bếp, nhà vệ sinh sạch sẽ và quan trọng có một phòng rộng rãi dành riêng cho cụ Thương ngả lưng tuổi già.

Cụ Võ Thị Thương và con trai Nguyễn Văn Dũng, cũng là nạn nhân bị oan sai

Ảnh: Độc Lập

Nhìn mẹ già vui vầy trò chuyện với người thân, con cháu về dự đám giỗ, ông Nguyễn Văn Dũng (con trai cụ Thương và là một nạn nhân vụ oan sai) tâm sự từ ngày được minh oan, tinh thần cụ Thương phấn chấn hơn. Lâu lâu ông Dũng qua thăm thấy mẹ ngồi lẩm bẩm một mình như tâm sự với chồng về nỗi oan khuất bao năm nay đã được giải. Thấy tâm trạng mẹ vui khiến ông cũng vui lây và chỉ mong mẹ sống mãi bên mình.

Ông Dũng kể rằng mình không bao giờ quên về những ngày tháng cuối đời, ba ông luôn đau đáu việc tìm cách để được giải oan. Một tháng trước khi mất, ba ông không còn đủ tỉnh táo nhưng trong lúc mơ màng vẫn thường hét lên “tôi không ăn cướp”. Mỗi lần nghe thế, ông Dũng và anh chị em của mình lại vỗ về: “Dạ, ba không phải là cướp” và ba ông nước mắt cứ lăn dài.

Một lần ba ông tỉnh táo, cứ siết chặt tay ông Dũng nói: “Ba chết nhưng con bằng mọi giá phải tìm cách giải oan cho ba. Nếu không, xuống dưới đó ba không thể nhắm mắt”. Trăn trối xong, vài tiếng sau thì ba ông mất.

Hơn 8 năm qua, nghe lời ba nên dù cuộc sống còn bộn bề vất vả nhưng khi mỗi khi có dịp, ông Dũng lại cùng với mọi người trong gia đình bỏ công sức, tiền bạc, kiên trì đi kêu oan. Và hôm qua là đám giỗ đầu tiên mà ba của ông chính thức được minh oan sau 40 năm.

Vụ án 40 năm oan sai ở Tây Ninh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.