Chậm trễ bồi thường, 'vạn lời xin lỗi' đều vô nghĩa

Trung Hiếu
Trung Hiếu
04/11/2019 07:34 GMT+7

Chứng kiến buổi xin lỗi oan sai với 7 người ở Tây Ninh ngày 31.10, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của ông Nguyễn Văn Dựa, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh - người chủ trì buổi xin lỗi.

 Ông Dựa nói đại ý vụ án oan sai xảy ra năm 1979, khi đó ông còn ở độ tuổi thanh niên, chưa vào ngành kiểm sát. Trước đó, tại buổi xin lỗi cựu binh Nguyễn Văn Dũng (nạn nhân thứ 8 của vụ oan sai), ông Dựa cũng có phát biểu tương tự.
Tôi tìm hiểu, mới biết ông Dựa sinh năm 1963 và 3 năm sau ngày xảy ra án oan ông mới vào ngành khi 19 tuổi... Một người quen sau khi đọc tin đã viết trên Facebook: “40 năm là nửa đời người, là dài gần bằng “đời công chức” của ông Dựa”.
Thế mới biết thời gian bị tù oan và đằng đẵng “mang thân phận kẻ cướp” mà 8 nạn nhân phải gánh chịu khủng khiếp đến mức nào. 40 năm đã biến cụ Võ Thị Thương (năm nay 94 tuổi), khi bị bắt là mẹ của 9 người con, trụ cột của cả gia đình, nay trở thành người bị oan sai có lẽ cao tuổi nhất VN. 40 năm đã làm con mất cha, vợ mất chồng, mất đất, mất nhà, gia đình nát tan, ly tán... Thời gian oan sai quá dài khiến chồng của cụ Thương là cụ Nguyễn Thanh Nghị không đủ sức chờ đợi, phải mang nỗi uất hận oan sai xuống cửu tuyền và trước khi chết dặn dò con trai (cũng là nạn nhân oan sai) bằng mọi giá phải giải oan cho đại gia đình...
Phần lớn nạn nhân của vụ oan sai nay đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, đau ốm, bệnh tật thường xuyên... Cho nên, cùng với lời xin lỗi muộn màng, việc cần làm trong lúc này của cơ quan liên quan là bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tạm ứng tiền bồi thường để các nạn nhân có chi phí trang trải cuộc sống, lo thuốc thang, chăm sóc tuổi già… Bởi lỡ họ có mệnh hệ gì thì “vạn lời xin lỗi” dù có thành tâm đến mấy cũng đều trở thành vô nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.