Giới trẻ và ‘cuộc chơi’ hội nhập

31/12/2015 05:10 GMT+7

Từ hôm nay (31.12), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời.

Từ hôm nay (31.12), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời.

Lao động tay nghề cao và có khả năng tiếng Anh tốt thì có nhiều cơ hội việc làm - Ảnh: Lê ThanhLao động tay nghề cao và có khả năng tiếng Anh tốt thì có nhiều cơ hội việc làm - Ảnh: Lê Thanh
Trong tiến trình hội nhập, không ít người trẻ đã thể hiện thái độ chủ động nhận diện, nắm bắt cơ hội cũng như ý thức được những thách thức mà AEC mang đến để vươn lên.

Sẽ tạo ra việc làm nhiều hơn
Từng làm việc trong môi trường đa quốc gia, Đỗ Ngọc Thảo, du học sinh ở Anh theo chương trình học bổng Chevening, tự tin khẳng định: “Theo tôi, VN gia nhập vào AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội. Chẳng hạn, có nhiều nhà tuyển dụng nước ngoài đầu tư vào VN sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Lao động nước ta có cơ hội được nâng cao tay nghề, đào tạo về kỹ thuật, rèn luyện tiếng Anh, làm quen với môi trường chuyên nghiệp”.
Hội nhập việc làm sẽ nhiều hơnHội nhập việc làm sẽ nhiều hơn

Mặt khác, Thảo cho rằng AEC cũng mang đến nhiều thách thức do môi trường làm việc đặt ra những yêu cầu cao hơn. Những bạn trẻ chưa có tay nghề tương ứng hoặc tiếng Anh chưa đáp ứng... có thể gặp khó khăn khi tìm việc làm. Thảo vạch ra kế hoạch bản thân: “Tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc, hiểu hơn về nền văn hóa các nước trong ASEAN, mở rộng mối quan hệ với các bạn trong khu vực”.
Theo Tô Trường Duy, sinh viên (SV) Trường ĐH Y Dược TP.HCM: “Làn sóng hội nhập là xu thế hiện nay. Nếu không nhanh chóng nâng cấp bản thân thì người VN sẽ chịu thua thiệt rất lớn so với các nước bạn”. Duy nhìn nhận: “Để thực hiện điều đó, SV chúng tôi cần chuẩn bị rất nhiều cho những năm sắp tới. Trước hết là ngôn ngữ tiếng Anh và có thể thêm một ngoại ngữ nữa, vì trong tương lai chúng ta sẽ còn hội nhập nhiều hơn nữa. Học thêm một ngôn ngữ, chúng ta sẽ làm giàu tri thức cho bản thân, dễ dàng hơn trong việc chinh phục nhà tuyển dụng, xây dựng hình ảnh người trí thức VN trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm hiểu thị trường lao động và tiếp cận phương thức làm việc quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng (làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, hùng biện trước đám đông...). Những kỹ năng này có trường dạy, có trường không, và chúng ta phải tự trau dồi trước cho mình”.
Tiếng Anh rất quan trọng
Khá nhiều SV cảm thấy lo ngại liệu có sự thay đổi trong cách thức tuyển dụng ở các công ty hay không, khi AEC chính thức có hiệu lực. “Mình hơi phân vân là trong thời điểm này, để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các công ty, đặc biệt ở các công ty thuộc 8 nhóm ngành được hội nhập trong thị trường ASEAN, thì các ứng viên cần làm gì?”, Lê Trần Minh Tuyết, SV Trường ĐH Mở TP.HCM, băn khoăn.
Theo ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH Tử Tế Là, yếu tố đầu tiên khi tuyển dụng trong thời kỳ VN hội nhập là tiếng Anh giỏi. Ông Minh nhấn mạnh: “Bắt buộc ứng viên phải có tiếng Anh giỏi để giao tiếp”. Chia sẻ thêm với người trẻ VN, ông Minh cho rằng nếu giỏi ngoại ngữ thì không lo ngại thất nghiệp. Ngoài ra, nếu muốn cạnh tranh với nhân lực nước ngoài, làm việc tại nước ngoài thì cần tìm hiểu văn hóa và tình hình bản địa nước ấy.
Ông Vũ Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty du lịch Thiên Lam TP.HCM, cho rằng khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, sự mở cửa và hội nhập sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi cá nhân người lao động, đồng thời làm cho quy trình tuyển dụng của các công ty gắt gao và khắt khe hơn. Đối với những công ty có yếu tố kinh doanh với nước ngoài, hoặc những công ty làm về dịch vụ và du lịch, sự đòi hỏi về tiêu chuẩn của nhân viên sẽ được nâng lên một mức khó khăn hơn. Yêu cầu đầu tiên dành cho các ứng viên là thông thạo nhiều ngoại ngữ, có tư duy sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm, thể hiện được chính kiến, có khả năng dung hòa các mối quan hệ công việc.
Ý kiến
Cảm thấy áp lực!
Thị trường lao động của VN sẽ hòa chung với thị trường lao động các nước trong khu vực. Lao động trẻ VN cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chính lao động giỏi các nước khác tới đây tìm kiếm việc làm, nếu không có hành trang tốt sẽ dễ thất nghiệp ngay trên chính đất nước mình. Riêng cá nhân mình, thú thật là cảm thấy áp lực!
Ngô Thùy Dung (SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho SV
Để sẵn sàng cho sự kiện này, từ đầu năm học trường đã liên tục tổ chức các chương trình trao đổi chuyên đề về cộng đồng ASEAN dành cho SV. Trường cũng đã tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho SV. Ngoài ra, cũng thực hiện các liên kết đào tạo các bằng cấp thuộc khối ASEAN để giúp SV có nhiều cơ hội hơn trong cạnh tranh việc làm.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng)
Cần thay đổi cách dạy
Không thể yêu cầu trường ĐH là nơi đào tạo toàn bộ tiếng Anh cho SV nhưng cách dạy môn học này ở nhiều trường đang rất hạn chế. Số lượng tín chỉ dành cho tiếng Anh không nhiều, có những trường SV chỉ được học 2 năm đầu còn 2 năm sau ngưng hẳn. Trường cần thay đổi cách dạy để SV giỏi tiếng Anh.
Ngụy Tiến Bảo (SV Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn)
Giới thiệu các nước khu vực nhiều hơn
Thay vì trong bài giảng tôi lấy ví dụ ở các nước Âu Mỹ, tôi sẽ phải tìm tòi các câu chuyện ở Thái Lan, Singapore, Malaysia. Nói nhiều hơn về 8 nhóm ngành được hội nhập trong thị trường ASEAN. Giảng viên như tôi cũng phải hội nhập theo cách của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khang (Giảng viên Trường CĐ Việt Mỹ)
Hà Ánh - Thanh Nam (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.