5 F0 trong một gia đình TP.HCM khỏi bệnh: Chuyện cảm động từ bệnh viện dã chiến

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/07/2021 17:07 GMT+7

Một trong những khoảnh khắc suốt cuộc đời này P.G không bao giờ quên được, đó là nhận được cuộc gọi y tế báo tin cô và các F0 khác ở cùng đã khỏi bệnh, được xuất viện. Cô gần như hét toáng lên: “Phòng 508, dìa nhàaa!”.

N.Q.P.G, 23 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Gia đình cô tất cả 7 người đều F0 gồm: cô, ông bà ngoại, ba, mẹ, dì, em gái 10 tuổi, mỗi người được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau. Riêng N.Q.P.G, cô có 30 ngày chiến đấu với Covid-19: 14 ngày đầu tiên ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khi triệu chứng đã giảm dần, cô được đưa sang bệnh viện dã chiến số 4 tới khi khỏi bệnh.
Cô gái 23 tuổi kể với phóng viên Báo Thanh Niên về những ngày điều trị Covid-19, hành trình bình phục và cả những tri ân:

“Mừng vì được phát hiện ra là F0 sớm”

“Biết mình là F0, tôi nghĩ đương nhiên mình phải đi cách ly chữa bệnh, cũng may mình đã được test sớm để điều trị, tránh lây cho người khác. Tôi vào tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là 12 giờ đêm, sau một giấc ngủ, tôi bình tĩnh khai báo lịch trình đi lại, lên danh sách những thứ cần để nhờ bạn bè bên ngoài gửi vào.
Mỗi sáng, bác sĩ đo nồng độ SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên - PV) và phát thuốc, ai có bệnh nền hay có triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau họng thì gọi theo số đường dây nóng ngay ở đây, ngày mai sẽ có thêm thuốc. Người có phổi yếu được chích thuốc, mệt sẽ được truyền dịch, ăn thì mỗi ngày 3 bữa, ai muốn ăn cháo thì đăng ký.

Không gian nhỏ của P.G ở bệnh viện dã chiến

Ảnh NVCC

Những ngày đầu tôi mệt mỏi, có hơi sốt, đau họng và ho rất nhiều, đến mệt lả luôn. Hai ba ngày sau thì mất khứu giác, vị giác. Tôi chẳng thể nào quên, ngày mình bị loét vòm họng không ăn được cơm mà chưa đăng ký cháo, cô y tá đã đi sang từng phòng khác tìm hỏi xin cho tôi gói cháo ăn liền và dặn dò “dù khó nuốt cách mấy nhớ ráng ăn vào nha”.

Xoa dịu căng thẳng cho bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện dã chiến bằng âm nhạc

Không lọt xuống hố sâu chán chường

Tôi không oán trách việc mình là F0 mà chấp nhận và tự nhủ phải đối mặt. Tôi biếng ăn, không nuốt nổi, nhưng nếu không ăn thì sức đâu khỏi bệnh. 1 hộp cơm, tôi cứ thế ngồi nhặt từng hạt cơm, nhai có khi trong 2-3 tiếng đồng hồ mới hết.
Để mình không lọt xuống hố sâu chán chường, mỗi sáng thức dậy tôi gom cảm xúc tích cực để tự động viên mình. Ngày thứ 9, tôi dần dần khỏe hơn, bỗng thấy thèm ăn rất nhiều.

Chị em trong phòng cùng "sáng chế" chiếc khoá cửa từ móc áo

Ảnh NVCC

Ngày thứ 15, tôi được chuyển tới bệnh viện dã chiến. Trong phòng, tôi luôn tìm việc để làm. Tập thể dục, dọn phòng cho sạch sẽ, gom rác trước phòng, quét nhà, chùi rửa nhà tắm, giặt đồ, ngồi thiền, xem phim, nhìn ra khoảng trời xanh ngoài kia...
Chúng tôi tự làm thùng chứa nước từ bình nước 20 lit đề phòng khi mất nước, làm khóa cửa từ cái móc áo, hay lấy vỏ chanh, cam để đuổi kiến ba khoang trong phòng... Tôi nghĩ là hoàn cảnh nào cũng có thể sống tích cực, đừng chỉ biết ngồi một chỗ và than vãn.

Tôi cay mắt, vì những hình ảnh này

Nhiều F0 từng ở bệnh viện dã chiến có thể sẽ thắc mắc vì sao lẻ loi quá, ít khi thấy bóng dáng bác sĩ trực tiếp. Điều này không đúng, tất cả đội ngũ nhân viên y tế vẫn đang lặng lẽ phía sau chăm sóc, quan tâm tới tất cả người bệnh.
Tại đây, mỗi sáng chúng tôi khai báo y tế, nếu có các triệu chứng sốt, ho nặng, tiêu chảy sẽ được mời xuống khám. Nếu có dấu hiệu trở nặng như chỉ số oxi máu thấp sẽ chuyển lên bệnh viện trên.
Tại bệnh viện dã chiến, các bác sĩ hay gọi bệnh nhân là "Bệnh nhân của em đâu rồi ạ?", "Bệnh nhân của em hôm nay khoẻ không ạ?". Với tôi, cụm từ "bệnh nhân của em" vừa gần gũi lại đầy trách nhiệm.
Tôi nhớ một hôm, có F0 hỏi bác sĩ “Khi nào tôi được về vậy cô?”. Bác sĩ trả lời: “Khi nào khỏi bệnh thì về, đâu có ai mà hổng trông về. Tui đây nè, đi mấy tháng rồi, con nhóc nheo ở nhà thẩy cho họ hàng chăm luôn, có về được đâu, lúc này làm sao dám nghĩ tới tình cảm cá nhân được nữa”.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng, không chỉ riêng một F0 nào khó khăn, đội ngũ y bác sĩ, cả Sài Gòn và Việt Nam của chúng ta đều đang cố gắng hết sức đối mặt với Covid-19.

Những món quà P.G nhận được từ các nhà hảo tâm gửi vào

Trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tôi đã chứng kiến những điều dưỡng phải lau nhà, dọn rác, chuyển đồ người nhà bệnh nhân gửi vào, rất nặng. Anh chị lao công chỉ có 2 người lo mấy khoa, rồi phát cơm, thu gom quần áo, phụ dắt bệnh nhân chuyển viện. Có những gương mặt quen, tới khuya tôi vẫn thấy họ đang làm.
Rồi ngày tôi tới bệnh viện dã chiến, tôi xách nhiều đồ nhưng được sắp xếp ở lầu 5, cao nhất, tôi đi cầu thang bộ không nổi. Vậy là nhờ một anh dân quân phụ giúp. Cứ lên được 1 lầu, anh ấy khựng lại: "Cho em nghỉ thở cái nha”, tội lắm.
Nguyên tòa nhà tôi ở 5 tầng, với hơn 200 bệnh nhân, nhưng chỉ có 2 bạn dân quân làm hết các công việc phát cơm, vận chuyển đồ người nhà gửi vào, phát quà mạnh thường quân, thu dọn rác, bưng giúp những thùng 20 lít nước tới các phòng…. Từ sáng tới tối, có lần tôi đi bỏ rác, 8 giờ tối mà nghe các anh nói chuyện còn chưa được ăn cơm chiều…
Vậy nhưng có một lần, tôi không nhờ ai mua giúp khẩu trang, xà bông, thuốc được, tôi đành mạo muội viết 1 bài đăng lên nhóm trong bệnh viện, không nhờ các anh giúp rất nhiệt tình, không quên hỏi thăm sức khỏe. Tôi hiểu ra rằng, dù trong hoàn cảnh nào, nghĩa tình vẫn còn ấm áp ở quanh đây.

Bản tin Covid-19 ngày 29.7: Cả nước vẫn hàng ngàn ca bệnh, phương án 3.000 bệnh nhân nặng ở TP.HCM

Về nhà!

Tôi xét nghiệm khoảng 4 lần trước khi được xuất viện. 3 lần đầu cách nhau 7 ngày, lần thứ 4 cách 4 ngày. Những lần nhận phiếu âm tính, cả phòng ai cũng mừng. Ngày nhận được cuộc điện thoại sẽ được ra viện, tôi nói như hét lên “Phòng 508, dìa nhàaaa”.
Tôi và các chị F0 chung phòng đã gắn bó cùng nhau 15 ngày với bao nghĩa tình, mọi người nhường nhau từng ly mì, chia nhau viên thuốc. Phòng có người già thì các bạn trẻ giúp châm nước nóng, làm vai vịn đi trước cho mấy cô chú vịn đi từ từ theo sau. Những người già không có thân nhân, bị lãng tai, thì người trẻ chúng tôi cũng thay nhau chăm sóc, đút ăn, giúp đỡ uống thuốc đỡ phần bác sĩ.
Ngày chúng tôi xuất viện, cả phòng đi ngang các phòng khác, ai cũng chúc mừng. Tôi dạ rõ lớn, nói nguyên cả hành lang nghe: "Chúc tất cả mau hết bệnh, từ từ rồi chúng ta sẽ về nhà hết thôi".

Cầm trên tay giấy ra viện, P.G rất xúc động

Ba mẹ tôi và em gái, 3 F0 đều khỏi bệnh và đã xuất viện từ 2 tuần trước. Tôi và dì mới được xuất viện trở về. Dì tôi có một khối u trong bụng nhưng cũng đã chiến thắng Covid-19. Như vậy, gia đình tôi có 7 F0 thì 5 thành viên đã khỏi bệnh. Chỉ có ông bà ngoại tôi lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền đã mất. Bà tôi bị tai biến, nằm liệt gần 1 năm nay, còn ông tôi có bệnh về tâm thần, ngày đưa ông vào bệnh viện vì là F0, ông không biết mình đang ở đâu.
Chúng tôi không thể nhìn mặt ông bà lần cuối. Nhưng tôi biết rằng, có những điều hy sinh khác rất lớn lao và chúng tôi không biết phải làm sao để gửi lời tri ân tới những y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên trong suốt những ngày tháng Sài Gòn, Việt Nam chống dịch vừa qua.
Tôi chỉ muốn nói rằng, tất cả chúng ta đều đang chia sẻ cùng nhau giai đoạn khó khăn này, dù là một lời cám ơn, xin lỗi, một lời cầu nguyện, một thái độ tri ân, chúng ta cũng đang tiếp sức cùng nhau. Mỗi ngày, tôi đều cầu ước dịch bệnh sẽ lùi xa, bình yên sẽ tới với tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế  và các bệnh nhân F0 đều khỏi bệnh. Để tất cả chúng ta đều sẽ trở về nhà…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.