Cuộc sống của du học sinh Việt tại Ý trong những ngày phong tỏa

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
13/03/2020 09:31 GMT+7

Trường học đóng cửa, du học sinh chuyển sang học online và gần như không ra khỏi nhà trong những ngày dịch bệnh đang bùng phát ở Ý. Họ chỉ mua đồ ăn qua mạng và đứng cách xa nhau để tránh dịch Covid-19 .

“Mắc kẹt” ở trung tâm vùng dịch nước Ý

Sống trong ký túc xá của trường, nhiều ngày nay Phan Thị Ngọc Hậu, học ngành Kinh tế - Tài chính Trường ĐH Bocconi không dám ra khỏi phòng. Thành phố Milan, nơi Hậu đang sống hiện là trung tâm dịch của đất nước này, số ca dương tính với Covid-19 ở đây hiện đã lên 925 người. Cô cho biết đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không biết nên về hay ở trong tình trạng này.
“Lúc đầu, khi thấy nhiều bạn bè lần lượt về nước để tránh dịch nhưng mình vẫn quyết ở lại vì thấy tình hình nước này vẫn ổn định, số ca dương tính ở nước này chưa cao nên mình nghĩ có lẽ không sao. Bây giờ thì chắc không về được nữa rồi”, Hậu chia sẻ.
Gia đình cũng lo lắng, mong muốn Hậu về nước nhưng trước tình hình dịch bệnh, nước này đã thực hiện phong toả toàn quốc, hạn chế đi lại. Hiện tại vé máy bay cũng rất khó mua, lại phải quá cảnh ở các nước khác, nhận thấy nguy cơ lây bệnh trong quá trình di chuyển cũng cao nên Hậu không khỏi đắn đo nhiều hôm nay.

 “Số ca nhiễm ngày càng cao, hệ thống y tế của Ý có thể bị quá tải, nếu không may bị bệnh mình không biết phải làm sao khi không có người nhà ở đây. Những ngày này mình chỉ biết quanh quẩn trong nhà, tất cả nhu yếu phẩm, hàng hóa đều đặt hàng cho siêu thị và có khi phải 2 tuần mới được giao. Còn ra ngoài bây giờ, thì nguy cơ lây nhiễm rất cao nên mình chẳng dám đi đâu 

Sống ngay trong trung tâm vùng dịch, mỗi ngày cập nhật thấy số ca nhiễm tăng một cao Hậu không khỏi lo lắng. Trường học đóng cửa, phải chuyển qua học online, mọi người được yêu cầu ở trong nhà, không mua được khẩu trang và nước rửa tay khô, siêu thị hàng quán đều đóng cửa… là những khó khăn mà nữ sinh này đang phải trải qua.
Nhưng không chỉ vậy, ký túc xá nơi Hậu sống cũng chỉ còn một số người, hầu hết đã về nước hoặc về nhà nên không gian vắng lặng, yên tĩnh. Điều này càng khiến cô cảm thấy cô đơn ở xứ người.

Nhật ký phong tỏa: người Ý nhắc nhau "chỉ có ý thức công dân mới cứu được chúng ta" giữa dịch Covid-19

Dù cố gắng bình tĩnh, nhưng cô gái nhiều khi không tránh khỏi hoang mang. “Số ca nhiễm ngày càng cao, hệ thống y tế của Ý có thể bị quá tải, nếu không may bị bệnh mình không biết phải làm sao khi không có người nhà ở đây. Những ngày này mình chỉ biết quanh quẩn trong nhà, tất cả nhu yếu phẩm, hàng hóa đều đặt hàng cho siêu thị và có khi phải 2 tuần mới được giao. Còn ra ngoài bây giờ, thì nguy cơ lây nhiễm rất cao nên mình chẳng dám đi đâu”, Hậu tâm sự.
Để không bị ám ảnh vì tính hình dịch bệnh, cô dành phần lớn thời gian trong ngày để học bài, gọi điện thoại, hoặc chơi game

Mua đồ ăn qua cửa, đứng cách nhau để tránh bệnh

Tương tự, cũng chọn cách ở lại, Phạm Minh Đức, học thạc sĩ ngành Quản lý sản xuất ở Trường ĐH Trieste cho biết cũng không khỏi lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19.
Đức đang sống ở thành phố Pordenone thuộc vùng Friuli Venezia Giulia (Ý). Dù không phải là trung tâm dịch của nước Ý nhưng nơi này cũng đã ghi nhận 179 ca dương tính. Chính quyền ở đây đã triển khai nhiều phương án để quản lý, hạn chế người dân ra ngoài.
Tất cả trường học ở vùng này đã tạm thời đóng cửa đến hết ngày 3.4, trường của Đức chuyển qua dạy học online.

Một nhà thờ ở trung tâm Trento, nơi trước đây rất đông người tụ tập nhưng nay đã vắng hoe

Vũ Tâm

“Từ hồi cuối tháng 2, khi Ý bắt đầu ghi nhận các ca dương tính là bọn mình đã hạn chế ra đường. Mỗi tuần chỉ đi siêu thị một lần để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Dù vậy, bên này người dân không tích trữ hàng hoá, nên tất cả các nhu yếu phẩm đều không bị khan hiếm. Tuy nhiên, bây giờ khi mua hàng người dân ở đây sẽ phải đứng cách xa nhau cả mét để hạn chế tiếp xúc”, Đức chia sẻ.
Còn nếu đi mua đồ ăn, các cửa hàng sẽ không cho khách vào quán nữa, thay vào đó, khách sẽ đứng trước cửa hàng và sẽ đặt hàng từ bên ngoài, sau đó nhân viên sẽ đưa hàng và thu tiền qua cửa.
Gần như phải cách ly tại nhà khiến cuộc sống của Đức và người bạn cùng phòng trở nên nhàm chán và ngột ngạt hơn. Mỗi ngày, cậu chỉ biết dành thời gian học bài hoặc nấu ăn để cho qua ngày.

Milan và Venice nhộn nhịp ngày nào nay hoang vắng vì Covid-19

Chia sẻ lý do không về nước, Đức cho biết khi Ý bắt đầu bùng dịch Covid-19 thì cậu vẫn ở lại vì còn một số môn học đến lịch thi. Tuy nhiên, sau đó Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ý, nước này đóng cửa tất cả các hoạt động ở trường học nên Đức cũng không thi được, còn việc về nước thì gặp nhiều khó khăn vì các chuyến bay hầu hết đã đóng lại.
“Muốn về nước bọn mình phải bay từ thành phố Pordenone sang Venice. Tuy nhiên chuyến bay cuối cùng ở chặng này đã đóng cửa nên bây giờ bọn mình chỉ biết ở lại đây chờ hết dịch để đi học trở lại, mình không còn lựa chọn nào khác”, Đức nói.

Dù số ca tăng mạnh nhưng người dân vẫn rất bình tĩnh và có quy cũ, có ý thức. Mong nước Ý sớm khống chế được dịch bệnh để mọi người có thể quay lại công việc, học tập

Ở lại Ý trong mùa dịch này, dù lo lắng nhưng Đức cho biết không hề hoang mang. Thay vào đó, cậu rửa tay thường xuyên, chỉ ra ngoài khi mua đồ dùng thiết yếu; đeo găng tay khi ra ngoài. Không mua được khẩu trang, mỗi lần ra ngoài Đức phải lấy khăn choàng cổ che mặt rồi về giặt lại ngay sau đó.
Theo Đức, ở Ý hiện chỉ cho nhập viện những ca nặng, còn những trường hợp bệnh nhẹ hoặc cơ thể không có nền bệnh khác thì sẽ được cách ly tại nhà và các nhân viên y tế sẽ theo dõi tình hình sức khoẻ.
Cách đây một tuần, thành phố nơi Đức sống vẫn còn nhộn nhịp nhưng hiện nay, sau lệnh phong toả nước này đã triển khai lực lượng quân đội, cảnh sát đi tuần. Những người ra khỏi nhà có thể sẽ bị tra hỏi, chỉ những trường hợp cần thiết mới được đồng ý. Đường phố Pordenone đã vắng bóng người.
Trong khi đó, Vũ Tâm, một bạn trẻ người Việt sống ở Trento (vùng Trentino) thì cho biết, khu vực cô sống cũng đã có rất nhiều ca dương tính với Covid-19, dù vậy Tâm tin rằng nước này sẽ sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Theo Tâm nước này đã mở nhiều dịch vụ miễn phí cho sinh viên trong thời gian này để họ có thể yên tâm ở nhà như sách điện tử, giao hàng miễn phí, sim cards, internet...
“Dù số ca tăng mạnh nhưng người dân vẫn rất bình tĩnh và có quy cũ, có ý thức. Mong nước Ý sớm khống chế được dịch để mọi người có thể quay lại công việc, học tập”, Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.