Bập bõm học trực tuyến trên sông
Đã 2 tuần nay, Nguyễn Văn Phú (học sinh lớp 2 Trường tiểu học Văn Đức, xã Văn Đức, H.Gia Lâm) không có thiết bị để học trực tuyến vì nhà em ở trên sông Hồng. Con thuyền của gia đình cũng chính là ngôi nhà của em suốt bao năm qua. Bố làm nghề chài lưới trên sông, còn mẹ đi làm thuê ở làng gốm Bát Tràng với thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, nên gia đình em gặp không ít khó khăn. Dịch Covid-19 ập đến, Hà Nội giãn cách xã hội nên em không được tới trường mà phải ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, gia đình không thể mua được điện thoại hay máy tính để em học.
Theo Thành đoàn Hà Nội, 25 bộ máy tính, máy tính bảng kèm gói thiết bị sim số, thiết bị phát sóng với tổng trị giá 130 triệu đồng được Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội cùng các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp, đã được trao tặng cho các em thiếu nhi đang sinh sống ở làng chài ven sông Hồng. Sau khi T.Ư Đoàn phát động chương trình “Cùng em học trực tuyến”, đã có 671 chiếc máy tính, máy tính bảng hỗ trợ các em học sinh khó khăn trên toàn địa bàn Hà Nội (trong đó cấp thành phố đã trao tặng 73 chiếc, các cơ sở trực thuộc trao tặng 598 chiếc).
|
Chị Hằng cho biết ở trên sông, sóng cũng kém nên có mượn được về học thì rất phập phù. Cô giáo cũng gửi bài tập cho Phú để làm thêm. Cô gửi bài nào Phú tự làm bài đấy, nhưng vẫn không theo kịp chương trình. “Tôi cũng tự đặt câu hỏi ra cho con làm, nhưng mình làm sao dạy được bằng cô giáo. Con không hiểu được bài, nên không theo kịp các bạn”, chị Hằng buồn rầu nói.
Ở làng chài này không riêng Phú bị học bập bõm như vậy, mà có không ít học sinh cũng rơi vào cảnh tương tự. Em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Văn Đức, cho biết nhà có 3 anh em đều phải học trực tuyến, nhưng có duy nhất 1 chiếc điện thoại, nên chỉ thỉnh thoảng em mới mượn được của anh để học.
Chị Nguyễn Thị Tẹo (mẹ Đức Anh) cho biết gia đình chị sống lênh đênh trên thuyền mấy chục năm qua. Chị sinh ra lớn lên ở làng chài, bố mẹ chị hiện đã lên bờ sinh sống nhưng chị lấy chồng cùng cảnh, nên vẫn theo chồng sống ở đây. “Chồng tôi lênh đênh trên sông nước suốt ngày, còn tôi đi làm thuê nhưng dịch phải nghỉ. 3 cháu đang tuổi ăn học, mà không đủ thiết bị để dùng”, chị kể.
Cùng em học trực tuyến
Chia sẻ về mong muốn của mình, chị Nguyễn Thị Hằng ao ước: “Tôi chỉ mong có đồ dùng cho con học thôi, bố mẹ đã khổ rồi, tôi không muốn các con phải khổ theo mình nữa”. Và ao ước của chị đã trở thành hiện thực khi Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội phối hợp với Ban điều hành CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam - PVC club, Đội Xuồng hơi Phản ứng nhanh PVC, cùng sự hỗ trợ của Đội CSGT đường thủy đã tổ chức đến thăm, động viên, tặng máy tính và máy tính bảng cho thiếu nhi tại làng chài.
Nhận được chiếc máy tính bảng còn chưa bóc tem, các em vỡ òa sung sướng. Nguyễn Đức Anh nói: “Con rất thích, từ nay con không phải mượn máy của anh để học nữa”.
Cùng đoàn công tác đến làng chài để trao tặng máy tính cho các em, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, và chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đã ngồi vào bàn học cùng Đức Anh, chỉ dẫn cho em cách sử dụng máy tính bảng. “Chúng tôi mong muốn cùng gia đình, chính quyền địa phương chăm lo cho các em, giúp các em có đầy đủ thiết bị cần thiết để học tập trực tuyến, khi chưa thể đến trường học trực tiếp”, chị Minh chia sẻ.
“May có các cô, chú tặng máy thế này thì con mới theo học được. Tôi sẽ cố gắng động viên con để theo kịp bạn bè. Thay mặt gia đình, tôi vô cùng biết ơn các cô chú”, chị Nguyễn Thị Tẹo, mẹ Đức Anh, xúc động nói. Còn chị Nguyễn Thị Hằng cho biết có máy tính sẽ cứu nguy cho con chị không bị thất học giữa dịch Covid-19.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, cô giáo Chử Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Đức, cho biết ở làng chài vẫn còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ thiết bị học trực tuyến. Một số gia đình đông con, nhà 3 con nhỏ thì 2 con phải đi học nhờ. “Đợt này thành phố về tặng quà, chúng tôi rất mừng vì đã tạo điều kiện, động viên cho các con có động lực học tập”, cô Ngọc nói.
Bình luận (0)