Có lẽ chúng ta đều biết giá trị của nụ cười, nhưng không phải ai cũng luôn giữ được cho mình nụ cười, và không phải lúc nào ta cũng cười được.
Cùng tiến sĩ xã hội học - chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia (ảnh), đi tìm bí quyết để có thể luôn mỉm cười trước những sóng gió, chông gai của cuộc đời.
Nụ cười ở sẵn trong ta
Chúng ta thường nói “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Vậy theo chị “thang thuốc bổ” này cụ thể như thế nào?
Nếu ta tặng cho ai đó nụ cười, chúng ta vừa không mất gì cả vừa trao tặng cho người khác một niềm vui vô bờ bến, thậm chí có thể thay đổi được hành vi của người khác, vì khi họ vui họ muốn làm điều tốt.
Chúng ta thường thấy, khi cho đi nụ cười, niềm vui sẽ được nhân lên. Và ai cười thì gương mặt cũng đẹp hơn, vì thế chúng ta nên cười nhiều hơn. Nhưng quan trọng là nụ cười sẽ sưởi ấm trái tim của cả người cười lẫn người nhận.
Không những thế, nụ cười chân thành, thân thiết là “dầu bôi trơn” cho tất cả các mối quan hệ. Tiền có thể không bôi trơn được tất cả, nhưng riêng nụ cười chân thành, thân thiết thì có thể làm được điều đó.
Khi ta cười với ai đó, sẽ tiếp cho người đó năng lượng. Thầy cô cười với học trò thì học trò sẽ muốn học hơn. Sếp cười với nhân viên thì nhân viên sẽ thấy mình được tôn trọng, được sếp trân trọng và họ sẽ muốn cống hiến, đóng góp cho người lãnh đạo này nhiều hơn.
Có nhiều người tâm sự, cười chỉ là nhếch môi lên là cười được, nhưng sao nhiều lúc họ thấy cười rất khó hay thậm chí không thể cười được?
Nếu bạn không sử dụng nụ cười thì cũng giống như bạn có 1 triệu USD trong ngân hàng nhưng lại không có ngân phiếu. Nhiều người nói tôi buồn quá thì cười sao nổi, nhưng thực ra nụ cười ở sẵn trong ta và bạn có muốn cười hay không mà thôi.
Nhiều người nói khi nào vui thì tôi mới cười được, nhưng cười được thì chúng ta mới vui, khi cười lên sẽ vui hơn. Nhiều người lại nói khi khỏe mạnh mới đủ sức để cười chứ lúc ốm yếu thì làm sao cười? Nhưng chính nụ cười sẽ làm bạn khỏe hơn, khi nào mệt hãy thử nở một nụ cười sẽ làm bạn khỏe hơn rất nhiều. Vì nụ cười trên gương mặt mang lại năng lượng cho chính bạn, tạo nên niềm vui, sự ấm áp trong trái tim, trong tâm hồn và từ đó làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Lớp học sẽ vui hơn khi tràn đầy những nụ cười của học sinh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Để cười được không khó
Ai cũng biết cười là có lợi, nhưng làm sao để lúc nào cũng giữ được nụ cười trên môi?
Thầy cô cười với học trò thì học trò sẽ muốn học hơn. Sếp cười với nhân viên thì nhân viên sẽ thấy mình được tôn trọng, được sếp trân trọng và họ sẽ muốn cống hiến, đóng góp cho người lãnh đạo này nhiều hơn
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia)
Để có thể luôn cười, hãy tự mình tạo thói quen mỉm cười, như trước khi đi ngủ và khi thức dậy hãy mỉm cười với chính mình, không vì một lý do gì cả, chỉ đơn giản là bạn cần yêu thương chính mình nên hãy cười với chính mình. Từ đó để chúng ta quen với cách mỉm cười mỗi ngày.
Kế đến, hãy tập nhìn vào những đức tính tốt, những điểm tích cực của con người, sự việc xung quanh. Không ai là hoàn hảo, ai cũng có điểm tốt và điểm chưa tốt, nên khi gặp một ai đó hãy nhìn vào những điểm tốt của đối phương trước, khi đó chúng ta sẽ dễ mỉm cười, dễ giao tiếp hơn.
Bạn cũng có thể thử gần gũi với thiên nhiên hơn, vì sự yên bình, dễ chịu của thiên nhiên cũng giúp chúng ta dễ mỉm cười. Chúng ta nên chơi với những người hay cười, vì khi ta gần những người vui vẻ, ta sẽ được ảnh hưởng cách sống tích cực của họ.
Nhiều bạn trẻ cho rằng nụ cười khó khăn nhất là “trong đau khổ vẫn cười”. Nhưng theo chị, để cười được có khó không?
Các bạn thấy đấy, để cười được không khó, chỉ cần chúng ta muốn là sẽ cười được. Đừng đợi đến lúc vui mới cười, đừng đợi những khó khăn thử thách qua đi rồi ta mới cười, khi ta cười những khó khăn thử thách đó mới lùi dần. Nụ cười giống như ánh sáng vậy, ánh sáng đến đâu thì bóng tối lùi đến đấy.
Khi khó khăn hãy thử cười lên, đó là một trong những cách để động viên chính mình. Lúc đó bạn sẽ có năng lượng, sự bình tĩnh và tự tin để vượt qua. Khi bị ai đó nói xấu, cũng hãy mỉm cười với lời nói xấu đó vì bạn biết mình không phải là người như vậy. Nếu họ nói đúng thì ta sửa đổi, họ có nói sai thì chúng ta nên hiểu là họ chưa hiểu mình và cần thời gian để họ hiểu.
Hãy mỉm cười với những thị phi, bạn sẽ thấy “Ồ! chuyện nhỏ”, người khác nghĩ về mình như thế nào không quan trọng, quan trọng bạn là người như thế nào.
Nhiều người lại có suy nghĩ, nếu không vui mà vẫn cười, nếu không hài lòng một ai đó mà vẫn nở nụ cười với họ, như thế là dối lòng, là sống hai mặt. Chị nghĩ gì về vấn đề này?
Học cách mỉm cười khi không vui, học cách mỉm cười khi ai đó đang làm không đúng ý bạn là cách sống an nhiên. Mỉm cười chứ không phải là cười. Mỉm cười trong tâm quan trọng hơn cả nụ cười trên miệng. Khi bạn thực sự an nhiên trước thị phi của cuộc sống, bạn đã mỉm cười trong tâm và khi đó tự nhiên khuôn mặt bạn mỉm cười. Đó không phải là sống hai mặt mà chính là bạn đủ nội lực an nhiên giữa những thăng trầm.
Theo chị, cuộc sống thiếu vắng nụ cười thì sẽ ra sao?
Cuộc sống sẽ buồn chán biết bao khi thiếu nụ cười. Một ngày mà không được cười với ai đó, không ai cười với mình thật là một thảm họa mà tôi chưa bao giờ hình dung ra. Vì tôi luôn thích cười! Tôi học được từ bộ phim Cô bé may mắn câu này: “Luôn mỉm cười, may mắn tự nhiên đến”. Từ ngày tôi hay cười, mọi chuyện đều nhẹ như mây, và đúng là tôi luôn gặp may mắn!
Chúc bạn và các độc giả của Báo Thanh Niên luôn mỉm cười!
Bình luận (0)