Anh Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy Sản, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đồng thời là giám đốc một công ty về thủy sản tại TP.HCM thốt lên như vậy khi nói về cách để đưa một công ty khởi nghiệp trẻ vượt qua khủng hoảng trong đại dịch.
"Quản trị tàn khốc" để cứu công ty
Năm 2010 khi người dân nuôi tôm ở Việt Nam phải đối diện với một loại bệnh lạ khiến hàng nghìn ha tôm mất trắng, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng thì chàng giảng viên trẻ nhận được cùng lúc 3 suất học bổng tiến sĩ toàn phần của Mỹ. Trăn trở với những khó khăn mà người dân đang đối diện, Trần Hữu Lộc đã lấy căn bệnh lạ của tôm ở Việt Nam làm đề tài nghiên cứu ở ĐH Arizona (Mỹ). Sau này, khi bảo vệ thành công luận án, trở về Việt Nam và tiếp tục giảng dạy tại khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Năm 2014, anh Lộc quyết định khởi nghiệp với một mô hình mới khi thành lập Trung tâm nghiên cứu bệnh tôm tư nhân ShrimpVet-Dr.Tôm, công ty Minh Phú AquaMekong. Trung tâm này chuyên về công nghệ thủy sản với nhiều lĩnh vực hoạt động như kiểm soát bệnh, chẩn đoán xét nghiệm bệnh tôm, nghiên cứu thuốc ngừa bệnh, sản xuất tôm giống, nuôi tôm không kháng sinh…
“Với một công ty khởi nghiệp từ gạch đá cuốc xẻng thì 95% sẽ phá sản trong 5 năm đầu. Chúng tôi cũng vậy, về cơ bản có thể coi như đã phá sản cả chục lần nhưng may mắn là chúng tôi có các bạn đầy nhiệt huyết và các đối tác tốt luôn giúp đỡ công ty trong những lúc khó khăn nhất; cũng như anh em công ty luôn chuẩn bị cho những tình huống khó khăn”, anh Lộc chia sẻ.
Từ ngày khởi nghiệp anh cho biết công ty của mình đã trải qua rất nhiều thử thách, nhưng với anh dịch Covid-19 như một "cơn sóng thần". Anh Lộc nói: “Cơn đại dịch đã quét sạch tài khoản của nhiều công ty, chúng tôi cũng vậy. Vấn đề ở chỗ nó không chỉ đơn giản là một cuộc khủng hoảng cục bộ mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến việc mua bán, đi lại, làm việc đều bị ngưng trệ”.
Là công ty chuyên về công nghệ thủy sản, tiến sĩ Lộc có rất nhiều dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài. Khi dịch bệnh quét qua gần như mọi công việc của công ty đều bị đình trệ lại; nhu cầu về tiêu thụ thủy sản sụt giảm mạnh, nông dân chăn nuôi cũng điêu đứng vì dịch bệnh tôm khiến việc sản xuất khó khăn… Trong khi đó, mọi chi phí để hoạt động công ty vẫn như cũ. Với bộ máy nhân sự khoảng 100 người, hàng tháng công ty anh phải chi trả một khoản chi phí vận hành và trả lương cho nhân sự rất lớn.
“Mình mất 70-80% doanh thu quý 1 do đợt dịch này”, anh Lộc nói.
|
Và để vượt qua được những khó khăn này anh đã thực hiện rất nhiều biện pháp quản trị mà anh xem là “tàn khốc”. Tàn khốc, khi giám đốc không nhận lương, còn những nhân sự cấp cao thì phải cắt giảm thu nhập. Anh cũng phải đứng ra thương lượng với các nhà cung cấp, đối tác để cân đối giữa kế hoạch thanh toán cho các nhà cung cấp, thu hồi nợ của khách hàng, đảm bảo dòng tiền để công ty hoạt động.
Công ty phải tranh thủ tối đa các nguồn thu, hợp đồng lớn nhỏ cũng như cắt giảm tối đa các chi tiêu, thực hành tiết kiệm triệt để. “Ai cũng biết khó khăn rồi cũng sẽ qua nhưng trong thời điểm này, ta như ở giữa chiến trường và tiền chính là đạn. Phải tiết kiệm từng đồng tiền thì mới sống sót được qua trận chiến”, anh Lộc nói.
Riêng với những nhân sự có thu nhập ở mức trung bình, nhân viên tập sự công ty vẫn đảm bảo thu nhập, nhà ở, ăn uống để người lao động yên tâm.
Mấu chốt để vượt khủng hoảng
“Kể cả quản trị tàn khốc, bao gồm cả việc giảm bớt lương thưởng, thực hiện tiết kiệm tối đa chúng tôi vẫn nhận được sự đồng tình từ anh em trong công ty. Đội ngũ nhân sự còn niềm tin vào công ty, các đối tác trong và ngoài nước vẫn luôn hỗ trợ và chia sẻ từng đồng với nhau để cùng vượt qua khó khăn. Như vậy nghĩa là chúng tôi vẫn sống sót được qua đợt dịch này”, Giám đốc trẻ Trần Hữu Lộc nói.
Anh cũng cho biết, mọi hoạt động đã dần quay trở lại, mọi người bắt đầu học cách “sống chung với dịch bệnh” nên mình cũng đã được xem là sống sót khi đã có thể hoạt động trở lại.
Sau những khó khăn bản thân anh nhận ra được rất nhiều kinh nghiệm. Tiến sĩ Lộc nói: “Dịch bệnh tới thì mình phải chọn cách “phòng thủ”, những lĩnh vực phải chi tiền đầu tư dài hạn chưa đem lại hiệu quả ngay thì phải tạm ngưng lại để bảo toàn nguồn vốn trước mắt đồng thời tiết kiệm tối đa, tranh thủ tất cả các nguồn thu và tăng cường thực hành tiết kiệm.
Mấu chốt để những nhà khởi nghiệp trẻ tồn tại qua khó khăn theo anh Lộc bao gồm hai yếu tố cốt lõi quan trọng đó là nhân sự và sự nhiệt thành của đối tác.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt hại nặng nề nhất
Theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thông tin những doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Có 348 doanh nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn… tham gia cuộc khảo sát từ ngày 17.3 đến 26.3. Thị trường kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp là nội địa (chiếm 93%). Kết quả, 35% cho rằng sẽ cầm cự được 3 tháng nếu dịch bệnh kéo dài (tương đương hơn 210.000 đơn vị trong tổng số 766.000 doanh nghiệp hiện nay), 38% cầm cự được 6 tháng, 13% cầm cự được 1 năm và 14% cầm cự được trên 1 năm.
|
Bình luận (0)