Gavin Wheeldon là trưởng phòng marketing của một công ty di động 5G ở Anh, anh vừa quyết định nghỉ việc cách đây không lâu. Trước đây, anh từng đến Việt Nam nhiều lần và tình cờ quen rồi yêu một cô gái người Việt.
Sẽ kết hôn với người yêu, vào TP.HCM lập nghiệp
Mong muốn tiến tới hôn nhân, nhưng bạn gái không thích sống ở nước ngoài nên anh đã quyết định bán hết mọi thứ mình có ở quê nhà để đến Việt Nam với dự định kết hôn và lập nghiệp ở đất nước xa lạ này.
Trước chuyến bay, anh đã mong mỏi được gặp cô gái mình thương sau nhiều tháng xa cách. Nhưng trên chuyến bay VN0054, từ London đến Hà Nội ngày 14.3 có một người dương tính với Covid-19 nên toàn bộ hành khách buộc phải cách ly.
Dù lúc đầu khá bất ngờ và có chút sợ hãi vì anh chưa từng biết cách ly là gì. Nhiều người nước ngoài trên chuyến bay chọn cách quay trở về nước, nhưng Gavin chấp nhận ở lại và đồng ý cách ly, anh mong mỏi từng ngày để gặp lại người yêu.
"Mình đến Việt Nam với rất nhiều dự định, mình không thể vì dịch bệnh Covid-19 mà bỏ lỡ kế hoạch được. Sau thời gian cách ly, mình dự định sẽ kết hôn với người yêu và vào TP.HCM để lập nghiệp", Gavin chia sẻ và cho biết hiện anh cách ly tại Trường quân sự Sơn Tây (Hà Nội).
Trong thời gian cách ly, với mong muốn người nước ngoài có cái nhìn tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, Gavin đã viết một bài dài kể về hành trình của mình, từ lúc ở sân bay đến cuộc sống thường ngày trong khu cách ly. Bài viết của anh chia sẻ trên các diễn đàn người nước ngoài và nhận được nhiều phản ứng tích cực.
Dưới đây báo Thanh Niên xin trích đăng nhật ký của Gavin Wheeldon viết từ phòng cách ly:
5 giờ sáng ngày 14.3, tôi hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) với sự háo hức hy vọng về một cuộc sống mới tại đất nước yêu thích của mình. Cuối cùng tôi đã có thể ở đây! Tuy nhiên, ngay khi vừa rời máy bay, những thứ đón chào chúng tôi chỉ là rào chắn, và chúng tôi buộc phải điền vào tờ khai y tế. Hành khách phải được lấy mẫu kiểm tra và tất cả nhân viên đều mặc quần áo bảo hộ. Nỗi lo bây giờ đã trở thành sự thật chứ không chỉ là tiêu đề trên báo nữa.
Từng người trong chúng tôi phải đợi để được lấy mẫu dịch và giao nộp passport. Tôi chợt thấy vui vẻ một chút vì đã dành thời gian điền tờ khai online và không phải chờ đợi... Cuối cùng thì họ cũng lấy được mẫu dịch từ họng và mũi, và tôi kiếm được một chỗ ngồi tại một khu vực chỉ định.
|
Đưa mắt nhìn lại dòng người đang nhích dần chậm chạp, tôi thấy cả người Việt Nam và nước ngoài, ai ai cũng phải chờ đợi... Một nhóm người lớn tuổi có vẻ như đang đi nghỉ dưỡng bắt đầu than phiền nhưng chắc họ cũng như tôi, đang dần nhận ra không chỉ có hành khách bối rối đâu. Vì các nhân viên cũng bị bối rối chẳng khác gì cả. Chắc hẳn ở đâu đó, một ai đó đang chủ trì cuộc họp tìm nơi hợp lý đưa chúng tôi đến.
Cuối cùng, chúng tôi có 2 lựa chọn. Lấy lại passport, mua một vé máy bay khác về nước hoặc chấp nhận cách ly 14 ngày để được nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng tôi cũng được thông báo được cách ly miễn phí, trừ những người dương tính với virus Corona sẽ được đưa đi điều trị.
Chờ đợi lâu, nghe xong thông báo mọi người bắt đầu than phiền, bám lấy người phiên dịch để đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến cô ấy xoay xở không kịp. Mọi thứ trở nên rất nhân văn ở đây, chúng ta là khách của một quốc gia đang làm hết sức mình để bảo vệ công dân của họ, và chính họ chứ không ai khác, đang cố thêm chút nữa để đem sự nhã nhặn đó đến cho chúng ta - những người không cùng quốc tịch.
Con người Việt Nam họ tốt thế đấy. Toàn bộ người Việt Nam đều chọn cách ly, và chúng tôi thì cần cân nhắc. Chúng tôi hiểu rằng, dù lựa chọn thế nào cũng không còn đường lùi nữa. Cuối cùng, chỉ còn lại 4 người ngoại quốc chọn ở lại và chấp nhận cách ly dù chúng tôi không biết sẽ cách ly ở đâu và điều gì đang chờ đợi ở phía trước.
Khi xe lăn bánh đưa mọi người tới khu cách ly, chúng tôi bắt đầu ngồi suy đoán xem chỗ cách ly nó sẽ như nào. Có đủ đồ ăn không? Liệu có bị ở gần với những người đã bị bệnh không...
Sau khi được xịt khuẩn sát trùng cả người lẫn hành lý, chúng tôi tiến vào một khu có hai ký túc xá to đùng và hàng rào bao quanh. Ai ai cũng mặc quần áo bảo hộ. Từng người một, chúng tôi đăng ký và được đưa về phòng. Người Việt Nam ở riêng, và nam nữ cũng được tách riêng. Ai trong tình trạng không khỏe hoặc có con nhỏ cũng được tách riêng ra. Ở sân bay khá hỗn loạn, nhưng tại đây thì mọi thứ lại rất trật tự. Không khó để nhận ra, Việt Nam đã sẵn sàng trong khi cả thế giới vẫn còn đang trong tư thế chờ đợi.
Ở thế này cũng không tệ lắm, ít nhất là so với những gì tôi suy đoán. Cả 4 người chúng tôi đều được ở cùng một phòng với 10 chiếc giường tầng kiểu quân đội.
|
Một người lính đã mua giùm tôi một cái SIM. Thiệt lòng tôi muốn boa chút đỉnh cho ảnh vì đã giúp đỡ tôi này nọ trong suốt tối qua tới giờ nhưng mà ảnh chối, nhất định chỉ nhận đúng tiền cái SIM. Thông dịch viên tới không lâu sau đó và hỏi thăm chúng tôi. Thật sự ngạc nhiên, cô ấy không phải là người của lãnh sự quán, cô ấy tình nguyện tới đây, chấp nhận mọi nguy cơ có thể mắc dịch bệnh.
Kết quả đã có từ tối qua, cả 4 đều có kết quả âm tính, trừ một hành khách ở khoang thương gia. Cảm giác nhẹ nhõm không tồn tại được lâu, mà thay vào đó là sự lo lắng. Liệu tôi có đứng gần hành khách này không, hay có đụng vào món đồ nào ổng đã tiếp xúc qua không? Điều duy nhất tôi biết được là từ sau sân bay, tôi không thấy ổng nữa. Nhưng tôi nhanh chóng bình tĩnh sau đó và bắt đầu gọi điện báo cho người thân, gia đình về tình hình của mình.
Mọi thứ thật yên bình, nhẹ nhàng vì chỗ này rất yên tĩnh. Các chú bộ đội đã làm việc không ngừng nghỉ để giúp khử trùng phòng ở hằng ngày, đo nhiệt độ cũng như đổ rác giúp tôi. Các anh ấy cực kỳ thân thiện và chu đáo. Cho tới bây giờ tôi thấy mình giống như đi cắm trại hơn là cách ly. Chúng tôi chia sẻ đồ ăn với nhau, và mọi chuyện bắt đầu vui hơn nữa khi nhận được đồ tiếp tế từ người thân.
Tình hình vẫn ổn ở đây, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng. Có thể một phần do sự căng thẳng giữa người lạ với nhau khi lượng người trong khu cách ly dần tăng lên. Mọi thứ vẫn không thể rõ ràng, nhưng ít nhất chúng tôi đang ở đây cùng nhau. Và hơn hết, điều đó cho thấy Việt Nam đang làm việc rất tích cực để giữ cho mọi người an toàn.
Bình luận (0)