Xét tỷ lệ bệnh nặng, tử vong, thương tật... trong các khoa phòng của một bệnh viện (BV), thì khoa ung bướu và khoa tim mạch luôn nằm ở top đầu. Vậy nên, chuyện sống chết của bệnh nhân (BN) là điều mà những người như bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Dũng (39 tuổi, Trưởng khoa Ung bướu), BS Nguyễn Hữu Đức (33 tuổi, Trưởng đơn nguyên tim mạch can thiệp, BV đa khoa Quảng Trị)... luôn đối diện hằng ngày.
Khơi niềm vui ở "khoa u ám"
Vì sao bác sĩ ít bộc lộ cảm xúc trước bệnh nhân?
|
Từ một BS chuyên khoa ngoại tổng hợp được giao nhiệm vụ đứng đầu “khoa u ám” khi tuổi đời chỉ vừa 34, BS Dũng đã chịu không ít áp lực và những suy nghĩ về công việc. Trong đó, câu hỏi "làm sao khơi lên niềm vui cho BN và đội ngũ nhân viên y tế trong khoa?" là một trong những điều mà BS Dũng, hiện đang kiêm nhiệm chức danh Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh Quảng Trị, nghĩ đến đầu tiên.
“Tâm lý BN ai cũng thế, khi phát bệnh ung thư thì hoảng loạn chạy chữa khắp nơi, thậm chí tin vào điều mù quáng. Vì vậy, ngoài chuyên môn, chúng tôi còn phải có kỹ năng tiếp xúc với người bệnh, biết cách chia sẻ giải thích sao cho BN không sốc để họ không bị suy sụp và hợp tác điều trị”, BS Dũng tâm sự.
tin liên quan
Những người mắc bệnh 'trời đày'Nhưng ở khoa ung bướu, không chỉ BN mới cần những “liều doping” tâm lý mà chính những cán bộ y tế cũng cần. “Chúng tôi luôn tự động viên nhau. Phải xác định nghề nghiệp của mình là phần việc... không ai mong muốn nếu không yêu nghề, tin vào khoa học. Nếu không cứu được BN trước những khối u ác tính, thì hãy cười với họ thật nhiều, cho họ niềm vui sống và làm tất cả cho họ bớt đau đớn”, BS Dũng chia sẻ.
Từ những niềm vui bé nhỏ dần nhen nhóm, “khoa u ám” của BS Dũng đã có những tín hiệu lạc quan với nhiều thành công trong chuyên môn, giúp giảm nhẹ sự đau đớn cho BN. “Có những cơn đau chỉ BS ung bướu mới hiểu, có những cơn đau còn đáng sợ hơn cái chết. Nên chúng tôi triển khai kỹ thuật nhiệt hạch giao cảm, đây không phải là kỹ thuật đặc biệt gì nhưng điều trị giảm cơn đau cho BN giai đoạn cuối”, BS Dũng cho hay.
Cần “trái tim nóng, cái đầu lạnh”
Đó là điều mà BS Nguyễn Hữu Đức luôn tự răn mình trong quá trình công tác, khi đứng đầu đơn nguyên tim mạch can thiệp, nơi được trang bị máy móc tối tân với nhiệm vụ hàng đầu là cấp cứu những trường hợp đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Ở đây, cán bộ y tế bị ám ảnh bởi “thời gian vàng” và không có chỗ cho những người thích sống chậm.
“Đó là khoảng thời gian tối ưu để cứu sống hoặc giảm tỷ lệ tàn tật cho BN. Xác định bệnh tim mạch, các biến cố xảy ra tích tắc nên việc cấp cứu phải kịp thời, cần con người và máy móc thiết bị luôn sẵn sàng, kíp trực phải túc trực 24/7. Khi nào cũng có BS và điều dưỡng. Bản thân tôi rất căng thẳng mỗi khi đi đâu đó khỏi BV”, BS Đức chia sẻ. Vì vậy với BS Đức, chỉ cần khi có tín hiệu “báo động đỏ” thì bất kỳ ở đâu, làm gì, đêm hôm hay mưa gió đều phải lập tức có mặt.
“Tôi phải chạy rất nhanh. Đôi khi không biết có chuyện gì xảy ra dọc đường không. Mọi người trong kíp trực đều phải thế”, BS Đức nói.
Đổi lại, BN và thân nhân của họ cần đặt niềm tin ở y BS. Với BS, những gì họ nghĩ mình làm tốt, làm hiệu quả thì mới làm. Còn nếu gặp những kỹ thuật khó, chưa thực hiện được chắc chắn sẽ cân nhắc.
Hỏi BS Đức liệu có “chai sạn” trước việc hằng ngày đối diện với cái chết của người khác, anh nói ngay: “BS chúng tôi cần trái tim nóng và cái đầu lạnh. Nếu để cảm xúc của mình vào công việc và xúc động thì thao tác sẽ rất khó khăn. Chúng tôi luôn trong tư thế nghĩ và làm những điều tốt nhất cho BN, chứ không phải cảm giác thương cảm. Nhiệm vụ hàng đầu là cứu chữa người bệnh, cái đó không để cảm xúc lấn át nhiều”.
Bình luận (0)