Học bổng nghị lực đến trường: Ước mơ của Tân 'đẩy thịt heo' thuê

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/09/2020 07:04 GMT+7

Tân nhỏ thó so với tuổi 18, nhưng trong em lúc nào cũng có ý chí và nghị lực mạnh mẽ . Chàng trai từng làm các công việc nặng nhọc: đẩy thịt heo, phụ hồ... muốn học hết cao đẳng để báo hiếu mẹ và bà ngoại.

Phạm Hoàng Tân, vừa tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Q.6, TP.HCM dọn ra hai ly trà đá mời chúng tôi. Gian nhà nhỏ không có bàn ghế, sàn nhà vừa là chỗ ăn cơm, chỗ để xe buổi tối và cũng là chỗ ngủ của bà ngoại em. Tân khoe vừa trúng tuyển vào Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, niềm vui mới nhen nhóm thì nỗi lo về cơm áo gạo tiền ập tới.

Đẩy xe thịt heo từ lớp 9 vẫn thẳng tiến vào giảng đường

Tuổi thơ kiếm sống ở chợ

Cha Tân mất từ khi em 4 tuổi, một mình mẹ làm công nhân trong một xưởng sản xuất bản lề để nuôi em khôn lớn. Năm Tân 7 tuổi, mẹ Tân - chị Lê Thị Trúc Phương đi bước nữa và sinh thêm 2 em trai. Người chồng sau không mấy chí thú với gia đình nên tất cả lo toan đều dồn lên đôi vai mẹ. Làm công nhân ở PouYuen rồi nghỉ, đi bưng phở thuê cho nhà người ta từ 5 - 13 giờ, chị Phương được trả 200.000 đồng. Số tiền không đủ nuôi Tân ăn học và tã sữa cho hai con nhỏ. Thương mẹ quanh năm phải đi vay mượn rồi nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bầy con, từ nhỏ Tân đã chịu khó đỡ đần mẹ việc nhà. Thấy ở đâu có thuê người làm, Tân cũng xin đi để có thêm tiền mua sách vở, phụ mẹ nuôi em.
Hè năm lớp 9, thấy người hàng xóm làm ở chợ đầu mối Bình Điền thuê người đẩy thịt heo, Tân tới xin việc. Tân kể, ngày đó, em mới 47 kg nhưng ngày nào cũng đẩy xe thịt heo nặng hơn 300 kg trong rất nhiều chuyến, khắp chợ Bình Điền. “Rời khỏi nhà từ 11 giờ khuya, 12 giờ thì em bắt đầu làm việc. Em đi theo chủ mua heo đã giết mổ xong trong chợ rồi đẩy bằng xe 3 bánh về sạp hàng của chủ. Mỗi ngày chủ thu mua khoảng 50 con heo. Mỗi lần đẩy về sạp, em phải đẩy 3 con, nặng hơn 300 kg thịt. Làm không nhanh, đi không kịp, va vào ai đó cũng bị chửi thậm tệ. Phải gồng người, nghiến răng mà đẩy nên sau đó về nhà đau nhức hết hàm, đau thấu lên đầu không ngủ được”, Tân kể.
2 giờ sáng, khi đã đẩy hết 50 con heo về sạp cho chủ, Tân lọc thịt chia thành các loại để bán cho những tiểu thương tới đó mua. 7 giờ sáng là dọn số thịt còn thừa ra trước chợ để bán tiếp, theo lẽ là xong việc đó sẽ được nghỉ nhưng Tân ở quá xa, không có xe máy chạy về, em phải ngồi đợi chủ tới 12 giờ trưa. Kết thúc một ngày làm việc quá sức lực của cậu bé 15 tuổi như thế, Tân được trả 250.000 đồng.
“Ngày nào đi làm về con cũng khóc nức nở. Về sau tôi mới biết con bị chửi bới mà làm nặng nhọc như thế, tôi đau lòng vô cùng, mình đẻ con ra chưa làm đau con, sao người ta nỡ. Nên tôi bảo con nghỉ ngay. Tôi có thể đi bán vé số, làm thêm việc gì cũng được chứ không đành”, chị Phương xúc động.
Những mùa hè sau, Tân đi phụ hồ cùng với cha dượng, cả ngày quần quật vác xi măng, bê gạch… ngoài nắng mưa được 300.000 đồng/ngày. Mùa hè năm nay, Tân làm thêm trong một nhà xưởng làm vỏ hộp bánh trung thu. Tay chân và cổ của Tân chi chít thêm những vết sẹo vì phải vác những kiện giấy nặng, giấy mới còn sắc lẹm cứa vào da. Trải qua bao nhiêu việc tay chân cơ cực, chịu mắng chửi ê chề mới được đồng tiền, Tân quyết tâm phải học lên cao để thay đổi vận mệnh đời mình.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Phạm Hoàng Tân. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Phạm Hoàng Tân trong thời gian sớm nhất.

“Mong thằng Tân được học cái nghề”

Theo Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, gia đình Tân thuộc diện hộ cận nghèo, dù hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng suốt 12 năm học, Phạm Hoàng Tân luôn là học sinh có học lực tốt, ý chí cao. Tân kể: “Em ước mơ được học ĐH nhưng kinh tế gia đình hiện tại chưa cho phép. Em sẽ vừa học cao đẳng, vừa làm thêm, ra trường có một cái nghề để giúp được bà và mẹ”.
Gian nhà nhỏ N37/1D/57A cư xá Phú Lâm A, Q.6, TP.HCM mà Tân đang ở là nơi cư ngụ của cả bà ngoại và gia đình dì út. Những tấm ván và gỗ ép ngăn tạm thành các gian phòng khác nhau. Tình cảnh tội nghiệp hơn khi người con 6 tuổi của dì út bị bại não từ khi mới sinh ra. Ban ngày, bà ngoại của Tân là Nguyễn Thị Thu Lai, năm nay 71 tuổi, không có lương hưu, trông coi các cháu.
Ngậm ngùi, bà Lai kể: “Tôi có hai đứa con gái nhưng mỗi đứa có nỗi khổ riêng. Bây giờ Tân là đứa cháu lớn nhất, khỏe mạnh nhất, thông minh, trụ cột của cả gia đình. Ngày thằng Tân còn đi đẩy thịt heo, 11 giờ khuya gọi cháu dậy mà xót đứt từng khúc ruột. Người nó nhỏ xíu, thiếu ngủ, ngồi trên xe mà gục bên này bên kia. Chỉ mong cháu được đến trường, học xong cái nghề sẽ có cuộc đời tươi sáng hơn mẹ nó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.