Nổi trội hơn các bạn khác...
Nguyễn Thành Quí (quê Bình Dương), từng đạt các giải thưởng học sinh giỏi văn cấp huyện, tỉnh có thành tích học tập đều các môn. Từ lớp 9 đã xác định sẽ theo đuổi ngành kỹ thuật máy tính trong tương lai, song khi thi vào lớp 10, Quí chọn chuyên văn Trường Phổ thông năng khiếu vì “kiến thức chuyên ngành thì có thể học trong trường ĐH, nhưng môn học nào đi theo con người ta nhiều nhất thì nên học trước”.
“Tôi chọn chuyên văn vì muốn trau dồi môn học này nhiều hơn. Tôi cũng tìm hiểu đây là môi trường lý tưởng để học THPT, khi các thầy cô luôn tạo điều kiện để các học sinh phát huy sở trường, đam mê của mình. Đồng thời, cùng với phong trào tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ với học sinh khác trong lớp, tôi đã trưởng thành hơn”, Quí nói.
Học đồng đều các môn, đặc biệt, cách tư duy trước các vấn đề mà mình được học từ môn văn đã giúp Quí học những môn khác rất nhanh, hiệu quả. Cho đến bây giờ, khi trở thành sinh viên ngành kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Quí nổi trội hơn các bạn khác trong lớp nhờ khả năng thuyết trình trước đám đông, suy luận và phản biện vấn đề.
“Trong lớp chuyên văn, chúng tôi được rèn luyện khả năng lật đi lật lại một vấn đề, nhìn nó trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ đó tránh tư duy một chiều. Đồng thời, môn văn cũng giúp tôi nắm bắt, hiểu tâm lý người khác hơn. Điều này quan trọng trong mọi ngành học và việc làm sau này”, Quí chia sẻ.
|
Câu chuyện của tôi là một minh chứng...
Đó là lý do mà Nguyễn Ngọc Yến Nhi, đang là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật robot - khoa học máy tính, Worcestor Institude Polytechnic (WPI), bang Massachusetts, Mỹ, chọn học chuyên văn khi thi vào lớp 10 Trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM. Nhi thành thật kể: “Tôi thi đậu cả lớp chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Ba rất muốn tôi theo đuổi các môn tự nhiên nên khi thấy tôi học chuyên văn thì giận, 3 tuần lễ không cho tiền ăn sáng, nhưng tôi vẫn quyết tâm”.
Học chuyên văn, sớm có đam mê với các dự án khoa học công nghệ, đặc biệt, sau khi được một giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hướng dẫn, Nhi tham gia thực hiện nhiều dự án. Nhi cùng thầy và các bạn tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ, có thể kể đến như làm cánh tay robot trong hệ thống trồng rau thủy canh...
Nhi cho hay học văn giúp tăng khả năng thấu cảm, thêm sự tự tin, suy nghĩ vấn đề rộng hơn, biết cách tìm tài liệu đa dạng, hệ thống hơn. Đặc biệt, từ giỏi môn văn, Nhi học tiếng Anh tốt hơn. Ngoài kết quả học tập tại trường và những giải thưởng khoa học công nghệ, 3 bài luận mà Nhi viết đã chinh phục học bổng Worcestor Institude Polytechnic (WPI) bằng sự sáng tạo, logic và có cả chút bay bổng từ môn văn mang lại.
“Trong bài luận chính, tôi viết về 3 màu đỏ - xanh - vàng, tượng trưng cho 3 tính cách trong con người tôi. Màu đỏ là màu sôi nổi, tượng trưng cho khả năng thuyết trình; màu xanh là khả năng học các môn tự nhiên; màu vàng là khả năng hội họa, nghệ thuật. Đây là ý tưởng tôi có được từ một câu chuyện mình từng đọc”, Nhi chia sẻ.
Cô gái chuyên văn nhưng đi theo con đường kỹ thuật robot - khoa học máy tính chia sẻ chuyện học văn hạn hẹp ngành nghề tương lai là định kiến, cần phải thay đổi. “Câu chuyện của chính tôi là một minh chứng. Như tôi từng nói với ba, tôi học văn và vẫn sẽ là một kỹ sư robot, máy tính. Hay nhiều bạn học chuyên sinh, chuyên hóa và đi theo ngành kiến trúc, kinh tế đối ngoại mà không cứ phải trở thành bác sĩ. Bất kể bạn học môn nào cũng vậy, chỉ cần vạch một đích đến và quyết tâm, bạn sẽ đi đến”, Nhi nói.
Học văn không phải để chạy theo đồng tiền
Theo thầy Phan Văn Đông, giáo viên ngữ văn Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, môn văn có tác dụng hình thành tâm hồn, tạo thành tính cách, phẩm chất con người, giúp mọi người yêu thương, cảm thông cho nhau hơn. Học giỏi văn giúp học trò có nhiều kỹ năng, tư duy đa chiều, bổ trợ cho nhiều môn học khác.
“Dù xã hội có phát triển như thế nào đi chăng nữa, môn văn vẫn cần thiết. Tôi luôn mong các trò học văn bằng đam mê, tình yêu, tìm tòi thông điệp ý nghĩa từ mỗi nhân vật. Học văn không phải để chạy theo đồng tiền, thấy làm được ngành “hot”, có việc xịn trong tương lai thì mới học, còn không thì bỏ qua và xem nhẹ”, thầy Đông chia sẻ.
|
Bình luận (0)