Nhưng có những bạn trẻ đã chứng minh điều ngược lại. Họ học chuyên văn và trở thành bác sĩ, kỹ sư nghiên cứu robot, khoa học máy tính...
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (25 tuổi) vừa nhận công tác tại Trung tâm nghiên cứu y sinh, Trường đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Thời phổ thông, Thanh là một học sinh chuyên văn.
Môn văn hình thành giá trị con người
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh học THCS tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thành tích học tập các môn đồng đều, cha mẹ ủng hộ cô theo đuổi chuyên toán với suy nghĩ tương lai sẽ rộng mở hơn. Song, tình yêu với môn văn tự nhiên và ngày càng sâu sắc trong Thanh, nhất là từ hồi lớp 8 được học văn từ một thầy giáo tại Q.6.
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là đại biểu đoàn Việt Nam tham gia nhiều chương trình giao lưu thanh niên như Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á 2018; Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN - Hàn Quốc tại Busan, Hàn Quốc 2020…
Thanh là trưởng nhóm tình nguyện viên lễ đón tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản tại TP.HCM năm 2018 và 2019; tình nguyện viên Mùa hè xanh tại Champasak, Lào; trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự chiến dịch sinh viên tình nguyện ASEAN tại Sarawak, Malaysia; đại biểu tham dự Lễ hội thanh niên quốc tế Yowunpura tại Sri Lanka; đại biểu chương trình giao lưu thanh niên - Ngày Cộng hòa do Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ tổ chức và nhiều chương trình khác…
|
“Mẹ tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Bố tôi bị hen suyễn. Tôi còn nhớ mãi những ngày chỉ có một mình ở nhà vì cả bố lẫn mẹ phải ở trong bệnh viện. Tôi muốn làm thầy thuốc để chăm sóc được tốt nhất cho những người thân yêu của mình”, Thanh kể.
Thanh cho hay dù học hóa, sinh, toán nhiều hơn trong năm lớp 12 để ôn thi ĐH, cô chưa lúc nào thôi hết cảm hứng với môn văn. Những lời khen của các thầy cô về cách viết văn lạ, tư duy khác biệt cho cô thêm động lực để cố gắng nhiều hơn.
Trở thành sinh viên y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều năm đi khắp các bệnh viện trong TP.HCM thực tập, cùng với các bác sĩ tham gia nhiều ca mổ cam go cứu sống nhiều người bệnh, Thanh càng trân quý nghề này. Trong tương lai, cô muốn nghiên cứu sâu hơn về huyết học, tế bào gốc để đóng góp nhiều hơn cho ngành y Việt Nam. Cô chia sẻ, khi học tập, nghiên cứu khoa học căng thẳng, đọc sách văn học, viết lách giúp cô giải tỏa stress, đồng thời nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.
Nhiều năm đã qua đi, cô vẫn còn nhớ lời nói của thầy Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa với cha mẹ học sinh trong một buổi họp phụ huynh: “Nhiều người đang xem nhẹ môn văn, chỉ muốn con học giỏi toán mà quên mất môn văn. Môn văn là môn học hình thành giá trị con người”.
“Môn văn thay đổi cuộc đời tôi”
Thanh có những năm tháng thanh xuân đáng nhớ. Cô là ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Muốn các bạn sinh viên trong trường giỏi tiếng Anh hơn để phục vụ cho công tác chuyên môn, cô sáng lập và trở thành Chủ tịch CLB tiếng Anh.
Từ năm thứ 2 ĐH, Thanh đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và mang về nhiều giải thưởng. Đề xuất những giải pháp về Cộng đồng nguồn tạng sống của Thanh giành giải nhì cuộc thi Giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2016. Thanh tham gia vòng chung kết toàn quốc giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka. Năm 2019, cô đoạt giải nhất tại Hội nghị khoa học trẻ ứng dụng công nghệ sinh - y sinh trong điều trị y khoa lâm sàng. Cũng năm này, Thanh và một nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện nghiên cứu đề tài “Tác dụng của đèn ánh sáng đỏ trong việc thiết lập tĩnh mạch ngoại biên ở trẻ em”, đạt giấy chứng nhận của Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM…
Thanh chia sẻ, cô sẽ không thể nào có được những dấu ấn đáng nhớ trên trong thời thanh xuân của mình nếu như không có môn văn. “Môn văn và thầy giáo dạy văn lớp 8 đã thay đổi cuộc đời tôi. Từ một người nhút nhát, không dám phát biểu trước đám đông, tôi dạn dĩ hơn, tư duy logic hơn, có cái nhìn sâu sắc về các vấn đề. Chính nhờ học tốt môn văn mà tôi có được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học”, Thanh nói.
Nữ bác sĩ mới nhận nhiệm vụ tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, môn văn giúp cô cảm nhận cuộc sống tốt hơn, đồng thời cho cô hiểu về tâm lý, biết cách giao tiếp nhiều hơn, và điều này rất quan trọng với một bác sĩ.
“Làm sao để có thể trò chuyện với bệnh nhân, được người bệnh tin tưởng, kể cho nghe những vấn đề sức khỏe họ đang gặp, hoặc tiền sử bệnh của họ… đó là điều rất quan trọng với một người thầy thuốc”, Thanh bộc bạch. (còn tiếp)
Bình luận (0)