Chiều 30.9, Đoàn Khối doanh nghiệp T.Ư đã tổ chức hội thảo các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp” với sự tham dự của đông đảo đoàn viên ưu tú thuộc Khối Doanh nghiệp T.Ư.
Lựa chọn giải pháp hữu ích
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, anh Nguyễn Văn Quyết, Phó bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp T.Ư, cho biết đổi mới, sáng tạo là thế mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của đoàn viên thanh niên Khối Doanh nghiệp T.Ư. Đây là nơi tập trung đoàn viên thanh niên có trình độ, năng động có khả năng tiếp thu vận dụng khoa học công nghệ mới, đồng thời cũng là nơi tập trung những máy móc, công nghệ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát huy sáng tạo. Thông qua việc đóng góp ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sáng kiến, cải tiến, công trình thanh niên, phần mềm sáng tạo, thanh niên cũng mang lại giá trị làm lợi cao cho doanh nghiệp.
Ban Thường vụ Đoàn Khối đã triển khai phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp”. Sau 2 năm triển khai, đến nay, toàn Khối đã đăng ký đảm nhận 1.793 công trình thanh niên, 2.021 đề tài khoa học, sáng kiến được áp dụng, làm lợi hàng trăm tỉ đồng cho doanh nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý có nhiều công trình sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đây một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại các doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, trở thành một thế mạnh của Khối Doanh nghiệp T.Ư.
|
Theo anh Quyết, để thanh niên không ngừng sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao nhận thức, tâm thế của thanh niên trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, tận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Ban Thường vụ Đoàn Khối xác định các giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo trong đoàn viên thanh niên là một vấn đề cấp thiết.
Muốn sáng tạo phải dấn thân
Nêu ý kiến tại hội thảo, anh Lê Văn Hùng, kỹ sư Nhà máy Đạm Cà Mau, cho rằng nền tảng của sáng tạo là văn hóa doanh nghiệp. Vì thế, đơn vị của anh luôn phát triển toàn diện, quan tâm sức khỏe và kiến thức của người lao động.
“Chúng tôi được khuyến khích học tập, tham gia nhiều hội thảo, học tập kinh nghiệm; nhiều khóa đào tạo phát triển chuyên môn và nhiều sáng kiến xuất phát từ kiến thức được học”, anh Hùng chia sẻ.
Đồng thời, anh Hùng cho biết, ở đơn vị, trong các tọa đàm đối thoại, không có khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo, nhân viên nếu có sáng kiến sẽ chia sẻ và được tìm giải pháp áp dụng vào thực tiễn.
|
Chia sẻ tại hội thảo, chị Trịnh Thị Thu Hiền, Trung tâm sáng tạo Công nghệ thông tin Tập đoàn Bưu chính viễn thông, cho biết thời gian qua, đặc biệt là trong dịch CoVid-19, những người trẻ đã nghiên cứu ra ứng dụng NCovi sau 48 giờ và được ứng dụng toàn dân.
“Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi cảm thấy sứ mệnh của đất nước đặt trên vai của mình và chúng tôi thực sự là những chiến binh IT thời bình. Muốn sáng tạo phải dấn thân, không ngại khó”, chị Hiền nói.
Cũng hiến kế để có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp, anh Vũ Việt Đức, đại diện Trung tâm quản lý điều hành mạng, Tổng công ty MobiFone, cho rằng cần nhân rộng điển hình tiên tiến là tấm gương nâng cao nhận thức đối với toàn bộ thanh niên trong doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần tạo môi trường sáng tạo, trao đổi thẳng thắn để khuyến khích thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên đề xuất sáng kiến và ứng dụng vào thực tiễn”, anh Đức đề xuất.
Bình luận (0)