Không đeo khẩu trang còn đánh người: Thói hung hăng nguy hiểm hơn dịch bệnh!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/04/2020 19:05 GMT+7

Trong mùa dịch Covid-19 , một số người không đeo khẩu trang, khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở thì xông vào đánh người nhắc. Theo nhiều bạn trẻ , sự hung hăng đó còn nguy hiểm hơn dịch bệnh.

Nguyễn Trung Thư, học sinh lớp 11, Trường THPT Hồng Bàng, Hải Phòng, tình nguyện viên tại chốt kiểm dịch trước nhà văn hóa An Lạc, P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng, cho biết trong khu vực em từng làm việc người dân rất nhã nhặn, hợp tác khi được nhắc nhở. “Có bác trong thời gian cách ly xã hội mang chó con đi bán, hoặc vẫn đi bán tiết canh, hoặc đi tập thể dục, chúng em nhắc nhở và các bác cũng hợp tác”, Thư nói. Những trường hợp cự cãi, chống đối người thi hành công vụ, đánh người khi bị nhắc đeo khẩu trang… theo Thư cần phải xử lý nghiêm, tăng cường truyền thông về những hình thức xử phạt với người có hành vi đó để làm gương cho người khác.

Một tình nguyện viên đang đo thân nhiệt cho tài xế

Thiều Thanh Quang

Nguyễn Quảng Khải, sinh viên năm 2, Trường ĐH Hải Phòng, tình nguyện viên tại chốt chặn tổ dân phố số 5, ngõ Hàng và chốt tổ dân phố số 15, ngõ 233 Nguyễn Đức Cảnh cho biết anh “may mắn” trong quá trình làm việc chưa gặp phải những đối tượng hung hăng, đánh chửi người nhắc nhở đeo khẩu trang hay hạn chế đi lại. “Đó không phải là số đông, hầu hết mọi người đều có ý thức chấp hành, hợp tác tốt với người làm nhiệm vụ. Tuy nhiên những cá biệt, người không tuân thủ quy định về phòng chống dịch còn đánh người khi bị nhắc đo thân nhiệt, hay đeo khẩu trang… cần phải bị xử lý nghiêm”, Khải nói.

Xem thường chính mình và cộng đồng

“Sự hung hăng vô trách nhiệm nó nguy hiểm hơn dịch bệnh. Khi bạn không tuân thủ quy định phòng chống dịch, bạn không đeo khẩu trang, bạn vẫn ra đường không tuân thủ quy định cách ly… bạn không chỉ gây hiểm họa cho chính mình mà còn cả cộng đồng, công sức chống dịch của cả một tập thể sẽ đổ sông đổ bể. Thói hung hăng dường như khó sửa ở một số người. Báo chí nhiều lần đưa tin có người sẵn sàng nổi nóng, đánh, chửi người khác nếu bị nhắc khạc nhổ, hát karaoke xóm thậm chí giết người khi bị nhắc vượt đèn đỏ”, Trần Thùy An, sinh viên năm 3 Trường ĐH Đồng Nai, bức xúc.
Anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM, chia sẻ bản thân anh cũng bức xúc trước những thông tin một số người hung hăng, đánh người khi bị nhắc đeo khẩu trang hay bị nhắc không tuân thủ chỉ thị số 16 của Thủ tướng chính phủ trong thời gian cách ly xã hội.
“Không đeo khẩu trang nơi công cộng, bị nhắc còn đánh người là một trong những hành vi hung hăng, xâm phạm đến người khác, và hơn nữa đó là một trong những hành vi chủ quan, xem thường việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, chưa có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Tôi nghĩ rằng với những trường hợp cố ý, manh động chống đối người làm nhiệm vụ cần phải xử lý nghiêm, căn cứ trên cơ sở của pháp luật, hoặc có biện pháp tăng nặng các hình thức xử phạt để kiểm soát tốt hơn”, anh Tuấn trao đổi.

Bạn trẻ làm việc ở một trạm kiểm dịch tại Hải Phòng

Lê Tân

Không đeo khẩu trang còn đánh người, bị xử lý như thế nào?

Không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy định nhà nước về phòng chống dịch, còn đánh người, luật pháp quy định việc này như thế nào? Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự) cho biết không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền,... là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Căn cứ vào quy định tại khoản 1, 2 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì:
“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;
b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch".
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định trên thì hành vi “không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A” có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào các quy định tại Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì, người nào “Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; “Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi chống đối người thi hành công vụ

Luật sư Lê Hồng Hiển cho hay trong trường hợp hành vi chống đối người thi hành công vụ có tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo điểm 1.9 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì, “người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự”.
Cụ thể, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội chống người thi hành công vụ như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.