Lan tỏa câu chuyện đẹp về giáo viên dân tộc thiểu số

Vũ Thơ
Vũ Thơ
14/08/2020 07:09 GMT+7

Sau 5 năm triển khai, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đã tuyên dương 277 thầy cô giáo ở các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo; các huyện đảo, xã đảo…

Hơn 5 năm qua, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô trực tiếp đi đến với nhiều vùng miền khắp cả nước để cùng lắng nghe, sẻ chia và có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các thầy cô giáo cắm bản, bám đảo; các thầy giáo mang quân hàm xanh và các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật, các thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số.

Tuyên dương các giáo viên là người dân tộc thiểu số

Ngày 13.8, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long đã tổ chức họp báo chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020.
Sau 5 năm triển khai, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô đã tuyên dương 277 thầy cô giáo ở các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo; các huyện đảo, xã đảo…
Chương trình năm nay sẽ tuyên dương, lan tỏa câu chuyện đẹp về giáo viên dân tộc thiểu số, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Các giáo viên được tuyên dương sẽ nhận Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của chương trình; sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD-ĐT và Ủy ban Dân tộc.
Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, cho biết điểm mới của chương trình năm nay là ngoài các gương thầy cô giáo theo giới thiệu, đề xuất từ hội LHTN các tỉnh, thành phố, ban tổ chức chương trình còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương giới thiệu. Ban tổ chức sẽ thành lập hội đồng xét chọn, để lựa chọn ra các tấm gương thầy cô giáo tiêu biểu, xuất sắc để tuyên dương.

Vận động xây nhà công vụ cho giáo viên

Bên cạnh đó, năm nay ban tổ chức sẽ vận động các đơn vị tài trợ xây dựng ít nhất 1 nhà công vụ cho giáo viên đang dạy học ở trường học điểm lẻ ở vùng cao biên giới... Anh Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết sau khi có kết quả bình chọn, hội đồng sẽ căn cứ hoàn cảnh cụ thể của giáo viên để lựa chọn, quyết định địa điểm xây dựng nhà công vụ và sẽ công bố trong lễ tuyên dương các thầy cô.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng lâu nay chúng ta tiếp cận các thầy cô dân tộc thiểu số như là đối tượng yếm thế, cần chăm lo hỗ trợ, nhưng trên thực tế có nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số rất giỏi giang, vươn lên hoàn cảnh, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, cũng như trong sự nghiệp giáo dục nói riêng.
“Trong đó có rất nhiều tấm gương là các thầy cô giáo đang trong độ tuổi thanh niên. Chính các thầy cô sẽ là nhân vật truyền cảm hứng, là tấm gương để chia sẻ lại với các thầy cô khác, với người khác. Vì vậy, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô không chỉ dừng lại ở việc ban tổ chức chia sẻ với các thầy cô, mà sẽ có những thầy cô cùng ban tổ chức chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình, phương pháp của mình, quá trình phấn đấu của mình, cảm hứng của mình tới những thầy cô khác đang phấn đấu vươn lên và tham gia tích cực hơn vào gây dựng một nền giáo dục toàn diện”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Trao đổi tại buổi họp báo, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cũng đánh giá 5 năm qua chương trình đã rất có ý nghĩa khi các đối tượng, chủ thể chọn vinh danh là những giáo viên thuộc nhóm đặc biệt. Trong các buổi lễ vinh danh, các giáo viên được gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, nhiều thông tin đã được chia sẻ, khiến mọi người xúc động; nhiều chính sách được bổ sung thêm và chương trình trở thành kênh cập nhật chính sách hiệu quả. Các thầy cô được tôn vinh cũng có động lực phấn đấu rất tốt, đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
Còn ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long - đơn vị đồng hành với chương trình, cho rằng 5 năm qua chương trình đã tuyên dương gần 300 giáo viên, trở thành chương trình ý nghĩa, nhưng mới chỉ chủ yếu chia sẻ với những giáo viên khó khăn. Trong khi những thầy cô trên khắp đất nước nói chung, thầy cô người dân tộc thiểu số nói riêng, đang thay đổi rất nhiều theo sự phát triển chung của xã hội.
“Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có tinh thần xung kích, không ngại khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu. Những thầy cô giáo có tinh thần khai phóng, luôn tiếp nhận cái mới trong giáo dục, không ngừng cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ trong việc dạy và học. Và những thầy cô ngoài việc dạy kiến thức ở trường, còn gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh… Họ xứng đáng được kính trọng và tri ân”, ông Hào nói.
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ 13.8 - 13.10. Hồ sơ gửi về Văn phòng T.Ư Hội LHTN Việt Nam, số 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội (bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020). Dự kiến lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2020 tại thủ đô Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.