Lừa đảo tinh vi chiếm đoạt tiền người bán hàng online

21/09/2017 14:58 GMT+7

Ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào các dịch vụ bán hàng online, nhưng cũng từ đây, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền một cách tinh vi.

Nhiều cảnh báo bị khách hàng lừa đảo

Dạo gần đây, có nhiều trường hợp bạn trẻ bán hàng online đăng những dòng trạng thái cảnh báo những trường hợp bị khách hàng lừa đảo.

Ngày 22.8, N.Y.L tại TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân: “Các bạn bán online, cẩn thận nha… Đầu tiên, nhắn tin muốn mua túi xách của mình, (3 chiếc, trị giá 8,5 triệu), sau đó nói đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển tiền qua WU. Chơi sang, chuyển luôn 400 USD, tới 8,999 k (chuyển dư luôn ha). Ngay sau khi thông báo chuyển tiền, là có tin nhắn gửi về, thông báo có dịch vụ chuyển 8,999 k, yêu cầu nhập mã xác nhận để hoàn tất giao dịch và nhận tiền. Cũng may, mình đọc mấy bài thế này rồi, chứ nhấp vô, không biết tiền sẽ vụt bay đi đâu về đâu”.


Chị H. cảnh báo trên Facebook - Ảnh chụp từ Facebook

Tương tự, ngày 20.9, chị L.B.H cũng đăng trên trang cá nhân của mình tóm tắt về những thủ đoạn lừa đảo, từ đó cảnh báo mọi người để tránh trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo.

Cụ thể chị H. đăng: "Chuyện thật 100% vừa xảy ra với mình nhưng vì mình nhớ đã được nghe chuyện tương tự như này của một chị bạn từng mắc phải. Nên hôm nay, mình đã không bị mắc mưu. Mình kể ra đây, để các bạn cảnh giác: Các bạn kinh doanh online, thỉnh thoảng sẽ gặp những khách sộp. Họ thường giới thiệu là Việt kiều hay ngoại quốc. Họ sẽ đặt khối lượng hàng lớn để mình sướng tít mắt! Hôm nay, khách này (fb Loan Luong bên dưới) muốn book liền 4 đêm villa nghỉ dưỡng nhà mình. Khách có nghề lắm, hỏi cặn kẽ y như thật về món hàng khách muốn thuê. Sau một hồi tư vấn, báo giá, thì khách bảo, chuyển tiền để chốt. Số tiền sẽ bằng đúng số tiền mà mình báo giá (nhằm không để người bán nghi ngờ). Họ sẽ gửi cho mình mã code. Đồng thời nhắn tin về số điện thoại của mình cung cấp. Bảo mình truy cập vào đấy! Nhưng không đời nào. Mình thẳng tay xoá luôn. Block luôn fb này (tất nhiên kịp chụp để lưu lại dấu vết). Nếu bạn chỉ với một cú nhấp chuột hay cái chọc vào link đó thì ôi thôi, số tiền lẽ ra bạn nhận được từ khách mua hàng thì đột nhiên bạn sẽ bị mất. Tiền trong tài khoản của bạn sẽ không cánh mà bay”.

Chia sẻ xong, chị H. không quên cảnh giác mọi người: “Các bạn lưu ý và hết sức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này nha”.

Liên lạc với chị H., chị cho biết chị rất may mắn không trúng phải kế gian lận của bọn lừa đảo bởi chị đã từng nghe kể về chiêu trò này. Và một chị bạn của chị đã từng bị lừa với thủ đoạn y chang và cuối cùng vì nhẹ dạ cả tin và cũng vì tụi lừa đảo quá tinh vi nên chị bạn của chị đã mất trắng gần 12 triệu đồng trong tài khoản.

Mất tiền, mất tài khoản, mất nick Facebook

Trước nhiều vụ việc cảnh báo như trên, anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết hiện nay có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra và người bán hàng phải đến trung tâm của anh để cầu cứu sự giúp đỡ.

Anh Thắng cho hay các đối tượng lừa đảo thường chia ra theo từng giai đoạn.

Giai đoạn đầu, đối tượng thực hiện đặt hàng online và chuyển tiền qua ngân hàng rất nghiêm túc nhưng chỉ với một số tiền nhỏ và thường chuyển tiền thông qua các ngân hàng trong nước . Mục tiêu giai đoạn này là lấy niềm tin của người bán hàng online.

tin liên quan

Đua nhau làm chủ shop online
Chỉ cần lập shop bán dăm ba mặt hàng trên mạng internet, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng... đều có thể trở thành ông bà chủ.

Giai đoạn hai, sau khi có niềm tin với người bán, kẻ lừa đảo dựng lên kịch bản liên hệ mua giúp hàng cho người thân ở nước ngoài và người thân sẽ chuyển tiền từ nước ngoài về .

Trong bất kỳ tình huống nào, nhất định cũng không được cung cấp số OTP

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena

Kẻ lừa đảo thường tạo một group gồm 3 người để tiện giao dịch gồm 3 nick, nick người bán, nick cũ giao dịch đã có niềm tin và nick mới được giới thiệu là người quen ở nước ngoài.

Sau đó, nick mới giả danh ở nước ngoài liên lạc giao dịch với nick người bán và nick cũ sẽ đóng vai trò tư vấn, đứng trung gian hướng dẫn người bán thường làm theo các yêu cầu của nick mới.

Và quá trình giao dịch, nick giả danh ở nước ngoài sẽ gửi những đường link giả mạo cho người bán, lúc này rất nhiều người bán đã nghi ngờ nhưng ngay lập tức nick trung gian đứng ra hướng dẫn, nói đây là chỗ người quen, đường link được gửi là tin tưởng, chỉ cần click vào để nhận tiền.

“Và đây là cái bẫy mà rất nhiều người sập, kích vào dẫn đến mất tiền, mất nick facebook, mất tài khoản ,...”, anh Thắng nhấn mạnh.

Anh Thắng cũng đặc biệt lưu ý về kịch bản tạo group 3 - 4 người để giới thiệu mua hàng từ nước ngoài hoặc người quen. Bởi từ đây sẽ tạo được sự tin tưởng nhưng thật ra kẻ lừa đảo đóng cả hai vai, vai trung gian và vai người mua từ nước ngoài.

Theo anh Thắng, đường link mà kẻ lừa đảo cung cấp có chứa những phần mềm gián điệp, hoặc là trang web giả mạo, để nạn nhân nhập các thông tin tài khoản và từ đây mất hết dữ liệu.

“Quá trình này thường trước đó, máy tính nạn nhân đã bị cài phần mềm gián điệp, để biết được số tài khoản và mật mã đăng nhập, chỉ thiếu phần tin nhắn OTP (OTP là tin nhắn từ ngân hàng đến máy di động, dùng để xác thực khi thực hiện chuyển tiền qua internet). Sau khi biết số tài khoản và mật khẩu, kẻ lừa đảo đưa thêm đường link giả mạo ngân hàng và yêu cầu nhập số OTP. Chính vì thế trong bất kỳ tình huống nào, nhất định cũng không được cung cấp số OTP”, anh Thắng khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.