Mở đường vào ngôi làng 'nhiều không'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
13/04/2021 07:26 GMT+7

Nhiều thanh niên vượt hàng chục cây số đường rừng để làm 4 cây cầu tạm, xẻ núi mở hơn 7 km đường vào ngôi làng biệt lập 'nhiều không' ở huyện vùng cao Quảng Nam.

Làng Aur nằm cheo leo trên dãy núi Bạch Mã có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nơi 50 hộ dân (khoảng 120 nhân khẩu) đang sinh sống thuộc địa phận xã A Vương, H.Tây Giang, Quảng Nam. Aur là một trong những nơi có người sinh sống cách trở và khó khăn nhất ở vùng rừng núi Quảng Nam.
Những ngày trong tháng 3 đến nay, Huyện đoàn Tây Giang đã huy động gần 100 thanh niên của 10 xã và các chi đoàn trực thuộc vượt rừng làm cầu tạm, mở đường vào làng Aur. Sau những ngày dãi nắng dầm mưa, ăn ngủ tại rừng, các thanh niên đã phát quang, đào đắp, “xẻ núi”, làm mới hơn 7 km đường và làm 4 cây cầu tạm từ thôn A Réc (xã A Vương) vào thôn Aur.
Anh Cơlâu Hoài, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, cho biết con đường mòn cũ dẫn vào làng Aur bị sạt lở không thể khắc phục, lực lượng thanh niên phải “xẻ núi” làm mới một con đường khác rộng 1,5 - 2,5 m. Những cây cầu tạm (dài 20 - 30 m, rộng 2 m) cũng cơ bản hoàn tất.
“Chúng tôi xác định làm công trình vì dân nên mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt đều tự túc, không phiền hà đến dân làng. Vừa qua, Huyện đoàn cũng huy động nhiều đoàn viên, thanh niên san lấp nền, di dời nhà cho người dân vùng sạt lở đến nơi ở mới”, anh Hoài chia sẻ.
Mở đường vào ngôi làng 'nhiều không'1

Các thanh niên “xẻ núi” mở đường vào ngôi làng biệt lập Aur

Anh Blup Hè, cán bộ thường trực Huyện đoàn Tây Giang, đã cùng thanh niên ở những xã khác sớm đăng ký tham gia đợt tình nguyện và trở thành thành viên tích cực của chiến dịch “xẻ núi” mở đường. Anh Blup Hè kể để vào được làng Aur nằm lưng chừng dãy núi Bạch Mã phải mất khoảng 10 giờ đi bộ, vượt qua hơn 17 km đường rừng với con đường mòn duy nhất. Đợt mưa lũ cuối năm 2020, con đường mòn này sạt lở nghiêm trọng, cả 4 cây cầu tạm dẫn vào làng cũng bị cuốn trôi.

Chúng tôi xác định làm công trình vì dân nên mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt đều tự túc, không phiền hà đến dân làng. Huyện đoàn cũng huy động nhiều đoàn viên, thanh niên san lấp nền, di dời nhà cho người dân vùng sạt lở đến nơi ở mới

Cơlâu Hoài, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang

“Ngôi làng này dường như biệt lập nên cuộc sống người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đường mới, cầu mới được dựng lại đã giúp phá vỡ thế cô lập bao đời nay tại làng Aur. Người dân đi lại an toàn, thuận lợi hơn. Nhưng để có được thành quả này, chúng tôi phải dầm mưa dãi nắng, ngủ rừng nhiều ngày liền”, anh Hè tâm sự.
Bấy lâu nay, nơi đây được xem là nơi “3 không” (không điện, đường, trạm). Nhưng theo già làng Alăng Reng, nơi đây có thêm nhiều “cái không” nữa như không sóng điện thoại, trạm y tế... Già Reng bảo thôn Aur nghèo nhất huyện, cái chữ hầu hết với đồng bào vẫn còn là điều xa lạ, bởi gần 70% người dân không biết chữ.
“Con đường độc đạo dẫn vào làng do dân tự làm nhưng mưa bão đã cuốn trôi, sạt lở hết. Mấy hôm nay nhờ các chú thanh niên mà người dân có đường mới và cầu tạm để đi. Nhờ con đường này, thời gian đi lại của bà con được rút ngắn đáng kể. Bố cũng như người dân biết ơn các chú thanh niên nhiều lắm!”, già Reng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.