Một công trình nghiên cứu rất sâu sắc về chủ nghĩa xã hội

05/06/2021 06:00 GMT+7

Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng , đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của dư luận xã hội. .

Đặc biệt bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng càng có nhiều ý nghĩa khi đất nước kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021) và 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021).
Nhận định bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhà nghiên cứu cho rằng bài viết thể hiện sự tâm huyết, sự sắc bén về một vấn đề có nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn: đó là chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Đây là đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo

Một trong số các luận điểm tôi nhận thức sâu sắc nhất trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là luận điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Theo đó, trước hết phải hiểu đúng định nghĩa phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong một thời gian dài người ta đồng nghĩa kinh tế thị trường với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Hiểu đúng, nền kinh tế thị trường XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành một cách đầy đủ đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Trong bối cảnh hiện nay, định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam là phải gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Thuộc tính căn bản này phải được thực hiện ngay trong từng bước đi, từng chính sách, là nhiệm vụ trước mắt cũng như trong suốt quá trình phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng được nền văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Như vậy, cùng với xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội, chúng ta nỗ lực đến một mục tiêu cao nhất là xây dựng thành công mục tiêu con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Cùng với kinh tế, xã hội, văn hóa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn phải gắn liền với phát triển môi trường lành mạnh - điều này không chỉ tính cho thế hệ hôm nay mà cả thế hệ tương lai.
Cuối cùng cần phải có một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền, có đủ trí tuệ, đạo đức, văn minh để thực hiện được tất cả đường lối chủ trương chính sách đã đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, thì sự đồng lòng nhất trí, tham gia tích cực của nhân dân là yếu tố quyết định. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh sâu xa của đổi mới.
PGS-TS Nguyễn Xuân Tế (Giảng viên cao cấp Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Một công trình nghiên cứu rất sâu sắc

Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết tư duy lý luận của Đảng ta về nhận thức về CNXH, về con đường đi lên CNXH nước ta, thể hiện với quyết tâm cao, cùng sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng rõ nét hơn. Bài viết là một công trình nghiên cứu rất sâu sắc với nhiều luận điểm mới.
Trải qua 35 năm đổi mới cả đất nước chúng ta đã làm theo lời dạy của Bác Hồ, đưa Việt Nam từ một nước chậm phát triển, đến nay đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế về mọi mặt.
Việt Nam hôm nay thực sự trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn. Thành tựu của đối ngoại đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước. Ngay cả trong khó khăn của đại dịch Covid-19 Việt Nam vẫn nỗ lực hết mình và luôn thích ứng với mọi tình huống để chống dịch trong nước và cũng là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, uy tín của cộng đồng quốc tế.
Những kết quả đã đạt được là sự vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, là kết quả tổng hợp của ý Đảng lòng dân. Có thể khẳng định con đường mà Bác và dân tộc lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Định hướng XHCN mà Việt Nam lựa chọn là một xã hội mà ở đó nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên sự phát triển khoa học tiến bộ, có lực lượng sản xuất phát triển với một quan hệ sản xuất phù hợp; có nền văn hóa phát triển tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Thạc sĩ Lê Thị Bích Hợp (Nguyên Phó trưởng khoa Lý luận và khoa học cơ sở, Phân viện miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận rất xuất sắc của Đảng. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng bí thư không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn rất quan trọng về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp đặc điểm cụ thể ở Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của quốc phòng, an ninh, trải qua 13 kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN luôn được Đảng ta đề cập và bổ sung, phát triển từ nhận thức, tư duy đến đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện, thể hiện rõ nét, sâu sắc tư duy của Đảng về vấn đề này.
Đặc biệt, Đảng ta xác định phải “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được thế giới thừa nhận là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao của châu Á. Hiền nhân đã từng dạy rằng: “Quốc thái, dân an”, điều này có nghĩa đất nước phải yên bình thì người dân mới có thể tập trung yên ổn làm ăn.
Chúng ta đã và đang xây dựng một thể chế chính trị ổn định, mọi phương hướng hoạt động của đất nước đều đi theo một chỉ thị nhạy bén và đúng đắn duy nhất nên không xảy ra tình trạng phức tạp ảnh hưởng tới người dân như ở một số quốc gia khác. Do đó người dân Việt Nam có thể tập trung và yên ổn làm ăn một cách lâu dài. Đồng thời, đường lối đối ngoại của Việt Nam rất đúng đắn, sáng tạo, luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó ít chịu ảnh hưởng từ các động thái chính trị gay gắt của các phe phái toàn cầu. Những biến động chính trị gần đây ở một số nước ngày càng minh định sự ổn định của nền an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Trung tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm (Giảng viên chính, Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.