Đề tài gia đình luôn là đề tài thường được khai thác trong những bộ phim Việt. Những bộ phim truyền hình về gia đình như: 'Gạo nếp gạo tẻ', 'Về nhà đi con', 'Cây táo nở hoa' và mới đây là phim điện ảnh 'Bố già' chiếm trọn trái tim của người trẻ.
Sóng gió có ra sao vẫn còn gia đình là nơi trở về
Là một khán giả trung thành của các bộ phim Việt về gia đình, Đậu Thị Thanh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô rất thích bộ phim 'Hướng dương ngược nắng'.
'Hướng dương ngược nắng' là bộ phim rất được chú ý thời gian gần đây với các tình tiết gay cấn cùng những khoảnh khắc về tình cảm gia đình. “Bộ phim mang lại cho tôi nhiều giá trị về tình gia đình. Dù ngoài kia sóng gió có ra sao thì vẫn còn gia đình là nơi mình trở về”, Thanh nhận xét về bộ phim nhân dịp Ngày quốc tế Gia đình 15.5.
Thanh cho biết mình nhận thấy nhân vật Bạch Cúc trong phim có nhiều điểm rất giống mẹ mình, chẳng hạn lúc đi làm thì nghiêm túc, tàn nhẫn nhưng về nhà thì lại là một người mẹ ấm áp, sẵn sàng bảo vệ con cái.
Quan tâm người thân gia đình nhiều hơn
Ấn tượng với bộ phim 'Cây táo nở hoa' đang được phát sóng gần đây, Nguyễn Thị Minh Thảo, sinh viên ngành biên kịch điện ảnh - truyền hình, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết dù đây là một bộ phim chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc nhưng lại mang hình ảnh rất gần gũi, đậm chất Việt Nam.
Phim xoay quanh cuộc sống nhà ông Ngọc, là anh cả của gia đình năm anh em. Từ nhỏ sống thiếu thốn tình thương, ông Ngọc tự bươn chải nuôi các em thay cha mẹ. Ông Ngọc mang tình thương dành cho các em quá lớn nên đôi lúc mâu thuẫn với vợ ông là bà Hạnh, khiến gia đình luôn bất hòa.
Tuy nhiên, Thảo nhận ra rằng các nhân vật trong phim không hề xấu vì mỗi người đều có nỗi niềm riêng. “Tôi nhận thấy nhân vật Hạnh giống hệt tính cách của của mẹ tôi. Một người phụ nữ hy sinh và luôn cam chịu vì gia đình. Xem bộ phim bỗng dưng tôi muốn quan tâm nhiều hơn tới những người thân trong gia đình mình”, Thảo bày tỏ.
Hai từ “gia đình” thiêng liêng
Ấn tượng nhất với bộ phim 'Về nhà đi con', Bùi Thị Ánh Quyên, sinh viên ngành văn học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết cô rất thích cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của phim.
Bộ phim xoay quanh ba chị em gái là Thu Huệ, Anh Thư và Ánh Dương, đều mồ côi mẹ từ nhỏ, mỗi người một tính cách và lối sống trái ngược nhau. Cả ba chị em đều gặp phải biến cố của riêng mình nhưng họ may mắn có điểm chung một điểm tựa là ông Sơn - một người bố tận tụy, hết mực yêu thương con.
“Ông Sơn luôn chỉ đường, mở rộng cánh tay mình mỗi khi các con cần, cả những khi con mình lạc lối. Đó là lúc tôi biết rằng gia đình là nơi để về. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, gia đình vẫn luôn đón “những người con sai” trở về. Qua bộ phim, tôi hiểu hơn về ý nghĩa hai từ “gia đình” thiêng liêng và dịu dàng đến lạ thường”, Ánh Quyên chia sẻ.
Ánh Quyên cho biết thêm bộ phim mang lại cho cô suy nghĩ và hành động tích cực, hiểu rõ hơn về gia đình và yêu thương gia đình mình hơn.
Kể về gia đình của mình, nữ sinh viên ngành văn học cho rằng cô cảm thấy may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ.
“Cha mẹ phải nuôi bốn chị em tôi ăn học, trong đó ba đứa vào đại học. Ngẫm lại số tiền mà cha mẹ tôi đã phải trả, những khó khăn mà ba mẹ tôi phải chịu đựng, tôi thấy thương và biết ơn cha mẹ tôi vô cùng”, Ánh Quyên chia sẻ.
Dành thời gian cho cha mẹ nhiều hơn
Nói về phim 'Bố già', Nguyễn Thị Kim Ngân (22 tuổi), ngụ ở Q.10, TP.HCM, cho biết cô đã khóc hết nước mắt khi xem bộ phim.
“Tôi đã khóc gần như xuyên suốt bộ phim. Tôi nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình trong đấy. Mẹ tôi cũng giống nhân vật bố già (do Trấn Thành thủ vai), hy sinh vì gia đình mà ít khi nào nghĩ cho bản thân mình”.
Thông qua bộ phim, Kim Ngân cho biết cô thấy yêu thương và hiểu hơn về cha mẹ. “Bộ phim cũng giúp các bạn trẻ biết quý trọng từng thời gian được ở bên cha mẹ và người thân gia đình”, Kim Ngân chia sẻ.
Bình luận (0)