Nhiều người trẻ tỏ vẻ hiểu biết, khi hỏi cặn kẽ thì 'rất tiếc'

05/11/2017 21:40 GMT+7

Không ít người trẻ 'nói như đúng rồi', 'chém gió phần phật' ở nhiều lĩnh vực, tỏ ra mình am tường kiến thức. Thế nhưng khi được hỏi cặn kẽ vấn đề thì lại ngớ người ra hoặc trả lời không đúng...

Lỗ hổng kiến thức
Cách đây không lâu, một thí sinh tham gia cuộc thi hoa hậu tự nhận yêu thích thể thao. Thế nhưng đó chỉ là… "chém gió". Bởi khi ban giám khảo đặt câu hỏi về SEA Games. Cô tự tin thể hiện sự hiểu biết của mình, đồng thời khẳng định có đến 24 nước tham dự SEA Games và đây là hoạt động thể thao được tổ chức trên toàn thế giới. Trước lỗ hổng kiến thức trong lĩnh vực yêu thích, cô nàng chống chế bằng cách lý giải do bản thân quá run nên không thể nhớ và trả lời chính xác các câu hỏi.
Câu chuyện trên không ngoại lệ. Trần Hải, sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, cho biết niềm đam mê lớn nhất của mình chính là bóng đá. “Lĩnh vực nào thì mình không rành chứ riêng về bóng đá thì mình hiểu biết rộng. Có thể không tin chứ tên tuổi của các cầu thủ nổi tiếng, những câu lạc bộ, đội tuyển mà họ từng thi đấu… mình nắm rõ tường tận”, Trần Hải chia sẻ.
Tuy nhiên khi người viết hỏi về thuật ngữ “việt vị” trong bóng đá, chàng trai này ngớ người hỏi lại: “Ủa, phải là “liệt vị” chứ sao đọc “việt vị”. “Việt vị” là sai rồi. “Liệt vị” mới đúng”.

tin liên quan

Kiếm tiền triệu nhờ nghề... 'chém gió'
Trận game sôi động hay nhạt nhẽo phụ thuộc nhiều vào tài dẫn dắt của bình luận viên.  Nếu bạn vừa biết 'chém gió', biến điều nhỏ nhặt thành hài hước, hấp dẫn, tạo thiện cảm với game thủ thì rất dễ 'ăn điểm' của nhà tuyển dụng.
Hà Ngân, thành viên diễn đàn phượt phuot.vn, kể trong diễn đàn có một thành viên tự nhận mình đam mê phượt, anh này “chém gió” từng đi trải nghiệm ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Anh nắm rõ mồn một cả văn hóa, tập tục của từng vùng miền. “Thế nhưng khi nghe anh ta nói về tỉnh Ninh Thuận là: “Ninh Thuận rất đẹp, chạy từ Ninh Bình sang khoảng 60 km là tới” thì mình mới nhận ra: hóa ra bấy lâu nay 'ổng' chém gió”.
“Mình thật sự khó chịu khi nhiều người không biết nhưng họ “nói như đúng rồi” vậy. Như trong giờ giải lao, cả nhóm mình đang “tám chuyện” về đám cưới của cặp đôi Song Hye Kyo và Song Joong Ki vừa diễn ra. Một người bạn cùng lớp cũng xen vào rồi ba hoa đủ thứ. Kiểu như: “Hình ảnh đám cưới đó đẹp thiệt. Hôm bữa coi livestream trên mạng mà thấy thích ghê. Đúng là diễn viên nổi tiếng của Nhật Bản có khác”. Nghe xong hoảng luôn, Song Hye Kyo và Song Joong Ki mà cho là ở Nhật Bản thì… bó tay”, Thúy Diễm, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM kể.
Còn rất nhiều câu chuyện tương tự, mà qua đó có thể nhận ra nhiều người trẻ hiện nay tưởng là hiểu biết rộng nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Nhiều lý do để biện minh những sai lầm và hạn chế trong kiến thức, kỹ năng của các bạn trẻ. Tuy nhiên, trong chính lĩnh vực các bạn tự nhận là yêu thích, am hiểu và thông thạo lại xảy ra những thiếu sót và sai lầm trên thì thật đáng suy ngẫm.
"Biết thì nói, không biết thì im" 
"Biết thì nói, không biết thì im" là quan điểm của bạn Ngọc Diệp (24 tuổi, Tây Ninh). "Bản thân mình nhiều khi biết cũng chả buồn nói. Mình không quan tâm lắm đến những người nói nhiều mà làm không được bao nhiêu. Khi nghe họ nói chuyện mình chỉ nghĩ, được cái thùng rỗng kêu to chứ cũng chẳng buồn tranh luận", Ngọc Diệp nói thêm.
Còn theo anh Huy Tùng (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Theo mình, có thể đây là một cách mà giới trẻ muốn thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ với mọi người về sự hiểu biết, muốn nhận được sự kính nể. Nhưng thực tế kiến thức về lĩnh vực đó thì không có. Nhưng nếu không nói thì lại sợ mọi người chê cười là thiếu hiểu biết. Điều này chứng tỏ họ rất thiếu tự tin và sợ sự đánh giá của người khác".

tin liên quan

Thổi phồng trên mạng xã hội
Dân mạng ngao ngán khi những tin đồn thất thiệt ngày càng nhiều, xuất hiện trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội.
Bà Phạm Thị Minh Phương, giảng viên một trường ĐH tại Q.5, TP.HCM, cũng thừa nhận: “Thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ tưởng là giỏi, tưởng là có kiến thức rộng nhưng thực ra chẳng biết gì. Họ có thói quen, khi thấy mọi người, bạn bè trò chuyện là cũng 'nhảy vào' và bàn tán, xem như bản thân mình cũng là người hiểu biết. Họ có thể thao thao bất tuyệt hết lĩnh vực phim ảnh, đến thời trang, thời sự, thể thao… Nói chuyện trên trời dưới đất như đúng rồi, nhưng khi một ai hỏi lại cặn kẽ thì lại ngớ người ra”.
Cũng theo bà Minh Phương, thì: “Khi tìm hiểu, học hỏi vấn đề gì đó phải học hỏi cụ thể, rõ ràng để hiểu thật kỹ. Chứ hiểu mơ hồ, hiểu lớt phớt thì khi nói đến vấn đề đó dễ bị người khác bóc mẽ là không biết mà 'tỏ vẻ nguy hiểm'. Bên cạnh đó, thay vì biết 10 điều, mà mỗi điều chỉ biết 1% thì hãy cố gắng hiểu sâu, hiểu tường tận 100% 1, 2 điều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.