Mới đây trong hội thảo, tập huấn trực tuyến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên do Bộ GD-ĐT tổ chức, trong báo cáo của Bộ cũng có nêu rõ là một bộ phận thanh niên, sinh viên hiện nay đặc biệt là nghiện điện thoại di động.
“Lướt” điện thoại mọi lúc mọi nơi
Nguyễn Duy Thông (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thú nhận: “Mình không thể sống thiếu điện thoại. Đôi lúc đi đường cũng không thể bỏ điện thoại ra. Luôn sạc điện thoại đầy pin để lúc nào cũng có thể sử dụng với nhiều mục đích như chat chit, mạng xã hội, chụp hình sống ảo,…”.
Mộng Mơ (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết: “Mình thì sáng dậy mở mắt ra thì điện thoại là thứ đầu tiên mình tìm kiếm, rồi học cũng lướt, làm việc cũng lướt, nói chung là lướt mọi lúc mọi nơi”.
“Đôi khi mình ưu tiên việc sử dụng điện thoại chơi game, lướt Facebook hơn là tập trung vào học tập, làm bài hay các mối quan hệ bên ngoài...”, Trần Thanh Tân (SV Trường ĐH Khoa học Huế) bày tỏ.
Còn anh chàng Nguyễn Văn Hà (sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM) thì hài hước: “Ôi, em mà về quê một tuần là cuộc sống của em đảo lộn hết cả lên. Người bức rứt khó chịu vì không có wifi sử dụng điện thoại cho thoải mái, xài 3G thì chịu không nổi. Điện thoại là vật bất ly thân của em. Em hay nói vui là thời buổi này chỉ cần có điện thoại là có được tất cả những gì mình muốn”.
tin liên quan
Giảng viên 'cao tay' chấn chỉnh sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học“Là thói quen thôi”
“Mình đã từng một lần vì sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi nên đi đường cũng cầm điện thoại lướt và cuối cùng bị giật mất điện thoại. Nhưng mình nghĩ không phải vì nghiện mà chắc là một thói quen. Giờ quen rồi nếu thiếu điện thoại một ngày là không chịu được”, Đỗ Thị Anh Thư (sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) nói.
Cũng khẳng định rằng điện thoại không thể nào thiếu được nhưng Nguyễn Minh Đức (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) thì cho rằng: “Điện thoại rất nhiều tiện ích và ai cũng cần có điện thoại. Mình cũng chẳng thể rời điện thoại được giờ phút nào trừ lúc ngủ. Nhưng theo mình thì không phải nghiện mà vì nó quá tiện ích nên mình cần nó và xài nó nhiều”.
Trịnh Thị Mỹ Linh (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Em cũng nghĩ không hẳn là nghiện, nó giống như là một thói quen hơn. Khi em có điện thoại thì em luôn giữ nó bên mình và em đã từng nghĩ là không có điện thoại thì sao mà sống nổi. Nhưng khoảng 3 tháng trước em bị mất điện thoại, thời gian đó em không dùng điện thoại, thời gian đầu thì hơi khó chịu nhưng rồi cũng quen. Nhưng đến khi mua điện thoại mới, em lại lướt điện thoại cả ngày”.
tin liên quan
Giới trẻ mê điện thoại hơn hẹn hòĐang nghiện và có dấu hiệu nghiện
Nhìn nhận ở góc độ tâm lý, chị Chế Dạ Thảo (chuyên viên tham vấn tâm lý, thạc sĩ giáo dục học) cho rằng: “Nếu nói về từ nghiện thì cũng khó thể đo lường được nhưng ở khía cạnh dùng ở mức độ sử dụng nhiều và thường xuyên để đề cập đến việc nghiện thì là có. Bởi hiện nay thời gian các bạn dành cho điện thoại quá nhiều, khi không sử dụng lại rất khó chịu. Mặc dù khi được hỏi thì các bạn nói là không, em không nghiện nhưng thật ra là các bạn đang nghiện và có biểu hiện nghiện”.
Chị Thảo cho rằng là chị nghiêng về nghiện nhiều hơn là thói quen. “Bởi vì thói quen là các bạn làm một cái gì đó có mục đích, có chủ định, phục vụ một nhu cầu nào đó của mình. Còn trong khi có những bạn cầm điện thoại nhưng cũng không biết để làm gì hết và các bạn không cách ly được nó. Trước đây chúng ta có nghiện game, nghiện ma túy,.. thì bây giờ chúng ta cũng nên có hồi chuông cảnh báo về nghiện điện thoại”.
tin liên quan
Người trẻ mất ngủ vì điện thoạiCòn thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An (Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì nhìn nhận: “Khi công nghệ phát triển thì điện thoại là phương tiện trợ giúp rất nhiều. Nhưng thực tế cho thấy có không ít sinh viên quá lạm dụng vào điện thoại. Các bạn rất thường xuyên mở điện thoại lên xem trong khi không có cuộc gọi hay tin nhắn. Các bạn sử dụng điện thoại như một thói quen, mà khi thành thói quen thì rất khó bỏ”.
Tuy nhiên, với những biểu hiện mà sinh viên nêu ra thì anh An cũng cho rằng đây là những dấu hiệu ban đầu của hành vi nghiện.
Về những hệ lụy của việc quá lạm dụng vào điện thoại này, anh An cho rằng: “Chi một lượng thời gian khá lớn và quá tập trung vào điện thoại dẫn đến chất lượng cuộc sống cũng thay đổi như ít giao tiếp với mọi người, không chú ý vào thế giới thực, dễ dẫn đến trầm cảm, rồi việc học cũng bị ảnh hưởng,...”.
“Phòng vẫn hơn chống nên bản thân sinh viên trước hết phải ý thức được tính 2 mặt của việc sử dụng điện thoại để kiểm soát được mức độ sử dụng và tránh hành vi nghiện. Việc hình thành hay từ bỏ một thói quen rất khó và không phải dễ có được trong ngày một ngày hai. Từ ý thức đến hành động luôn có một khoảng cách nhất định. Muốn hiệu quả thì sinh viên cần có sự đấu tranh của ý chí và giảm mức độ sử dụng dần dần”, anh An khuyên.
Bình luận (0)