Phi công người Nga rơi xuống vực ở Yên Bái: 'Nếu anh ấy có thêm 15 m'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/06/2020 16:30 GMT+7

'Sự cố của phi công người Nga xảy ra là một trường hợp rất hy hữu khi xảy ra quá gần núi. Nếu anh ấy có thêm 15 m, hoặc thêm 2 giây, dù sẽ kịp phục hồi hoàn toàn và không có sự cố nào xảy ra'.

Anh Trần Hoàng Kim, Huấn luyện viên (HLV) trưởng bộ môn Dù lượn của CLB Hàng không phía Bắc thuộc Quân chủng Phòng không không quân, đã trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về vụ tai nạn của phi công người Nga như vậy.
Hiện nay ở Việt Nam ngày càng nhiều bạn trẻ đam mê môn thể thao bay dù lượn. Vụ tai nạn của phi công người Nga khiến nhiều bạn băn khoăn.
Anh Hoàng Kim, đương kim vô địch giải dù lượn Đông Nam Á mở rộng, cho hay: “Môn dù lượn, giống như các môn thể thao hàng không khác, có rất nhiều vòng bảo vệ người chơi tránh tai nạn. Phải có rất nhiều yếu tố cùng sai thì mới dẫn đến sự cố gây chấn thương được. Tất cả các cánh dù ngày nay đều được kiểm định gắt gao chức năng tự phục hồi trạng thái bay trong dưới 3 giây mà không cần phi công can thiệp bất cứ điều gì. Kể cả trong trường hợp dù không thể phục hồi, phi công vẫn có thể can thiệp để trợ giúp quá trình. Kể cả phi công không thể can thiệp, chúng ta vẫn còn phương án ném dù phụ”.

Phi công người Nga rơi từ độ cao 20 mét xuống vực ở Yên Bái

“Tai nạn khi bay dù lượn rất hy hữu”

Anh Trần Hoàng Kim cho biết sự cố của phi công người Nga xảy ra là một trường hợp rất hy hữu khi nó xảy ra quá gần núi: “Chúng ta có thể thấy trên clip, ngay sau khi cánh dù bị sụp xuống (collapse), nó lập tức đã lấy lại được áp lực, mở hết sải ngang (span) và đang phục hồi trạng thái bay thẳng. Rất tiếc, vị trí xảy ra quá gần núi, dù không đủ thời gian và độ cao để phục hồi. Nếu như anh ấy có thêm 15 mét, hoặc có thêm 2 giây nữa thôi, dù sẽ kịp phục hồi hoàn toàn và không có sự cố nào xảy ra. Cánh dù lượn không bao giờ có thể rơi được. Nó hầu như lúc nào cũng phục hồi. Kể cả không phục hồi, thì nó vẫn có tính chất cản gió, và tốc độ rơi luôn nhỏ hơn 7 m/s (ngang với dù đổ bộ không quân). Sự cố chấn thương dù lượn chủ yếu chỉ xảy ra do tư thế tiếp đất không lý tưởng”.

Một nữ phi công chuẩn bị bay dù lượn từ đỉnh Con Ó, Đạ Tẻh, Lâm Đồng

Ảnh Thúy Hằng

Anh Kim cho hay, anh đã bay 400 giờ bay trong 2 năm qua, chứng kiến hàng ngàn chuyến bay của các phi công khác. “Tôi chưa tận mắt chứng kiến một sự cố nào gây chấn thương cả”, anh Kim nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên sáng nay, anh Lương Hoàng Hà, trưởng bộ môn Dù lượn của Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư (TP.HCM) nói: “Trước đây, số người biết tới môn thể thao bay dù lượn ở Việt Nam khá ít. Trong 4-5 năm trở lại đây, số bạn trẻ chơi môn thể thao này nhiều hơn. Nhưng trong suốt 12 năm tham gia môn thể thao này, số vụ tai nạn tôi chứng kiến chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó rất ít vụ gây ra chấn thương, đa phần chỉ bị thương nhẹ. Theo tôi biết, tình hình phi công người Nga gặp tai nạn ở Yên Bái cũng đang bình phục tốt và sắp ra viện”.
“Các phi công bay dù lượn được huấn luyện các kỹ năng xử lý tình huống rất tốt. Ngay cả khi dù gặp sự cố trên không, các phi công thường bình tĩnh, có khả năng tự xử lý, làm sao để nguy cơ chấn thương xảy ra thấp nhất”, anh Hà nói.

Ngày càng nhiều bạn trẻ muốn trở thành phi công bay dù lượn ở Việt Nam

Ảnh Thúy Hằng

Bay dù lượn cần ghi nhớ điều gì để an toàn?

Anh Lương Hoàng Hà cho hay ở Việt Nam các bạn trẻ muốn trở thành phi công dù lượn sẽ trải qua ít nhất khóa học bay khoảng 12 tuần. Sau đó, trong 20-30 giờ bay đầu tiên sẽ có sự giám sát, hướng dẫn trực tiếp của huấn luyện viên. Nếu bay tốt sau toàn bộ thời gian trên, người đó sẽ được tự mình bay đơn, độc lập. “Nhiều bạn phi công dù lượn khi đã học xong ở Việt Nam, tiếp tục ra nước ngoài học tiếp. Hiện nay, cũng có nhiều CLB trong nước mời huấn luyện viên nước ngoài về dạy cho các bạn”, anh Hà nói.
Theo anh Hà, tham gia bảo hiểm là điều kiện bắt buộc với bất cứ bạn trẻ nào trước khi bay dù lượn. Sự thận trọng luôn luôn là yếu tố được các huấn luyện viên nhắc nhở các bạn đã là phi công, hoặc đang học, ấp ủ kế hoạch trở thành phi công bay dù lượn.

Phi công học bay dù lượn trên đỉnh Con Ó, Đạ Tẻh

Ảnh Thúy Hằng

“Sự cố của phi công người Nga ở Yên Bái cũng sẽ được chúng tôi mang ra để nhắc nhở thêm các thành viên của mình trong các buổi sinh hoạt tới đây, về các yêu cầu an toàn, kỹ năng, sự thận trọng”, anh Hà chia sẻ.
Trong khi đó, theo anh Trần Hoàng Kim, giống như các môn hàng không khác, kiến thức dù lượn căn bản luôn được thiết kế “thừa" về độ an toàn. “Các phi công Việt Nam luôn được huấn luyện phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, thoạt nghe còn có phần máy móc. Nhưng nếu áp dụng đầy đủ các nguyên lý này, sự cố chấn thương gần như không thể có xác suất xảy ra”, anh Kim nói.

Chinh phục bầu trời là ước mơ của nhiều bạn trẻ

Ảnh Thúy Hằng

Trong một lần bay dù lượn ở đỉnh Con Ó (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) theo hình thức bay đôi, tức là bay kèm với phi công, chúng tôi được anh Nguyễn Sơn Cao, 28 tuổi, phi công bay dù lượn (Hội dù lượn Hà Nội), cho biết muốn trở thành phi công chơi môn thể thao mạo hiểm này cần sức khỏe, sự bản lĩnh, thời gian và chi phí đầu tư ban đầu hơn 100 triệu đồng cho việc mua dù, đồ bảo hiểm cũng như khoảng 60 triệu đồng học phí ban đầu. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm bay dù lượn theo hình thức bay đôi, chỉ cần chuẩn bị sức khỏe tốt, sự bình tĩnh, tự tin, nắm chắc kỹ năng chạy đà, tư thế của chân khi hạ cánh là hoàn toàn có thể bay an toàn.

Vì sao phi công người Nga gặp nạn ở Yên Bái?

              
Anh Trần Hoàng Kim cho hay nhìn vào clip phi công người Nga gặp nạn ở Yên Bái, anh có thể chỉ ra 3 điểm sai nguyên lý căn bản của phi công này.
Thứ nhất, trước khi cất cánh, tín hiệu gió từ các ống gió trên bãi cất cánh đang chỉ ngược nhau, và ống gió góc phải của bãi đang chỉ hướng gió bất thường. Đây là dấu hiệu của không khí nhiễu động, thường chỉ diễn ra trong vài chục giây rồi sẽ qua đi. Phi công “cứng” mới cất cánh trong điều kiện này. Thông thường tôi sẽ chờ khoảng nửa phút, nếu điều kiện trở lại bình thường thì mới cất cánh.
Thứ 2, khi vừa bay ra, cánh dù có truyền các thông điệp cảnh báo nhẹ về vùng nhiễu động phi công đang bay đến. Chúng ta có thể thấy dù lắc lư, và 2 mép cụp nhẹ. Đây là lúc chúng ta buộc phải bay thẳng ra vùng thung lũng rộng, nơi có chênh cao lớn so với núi, cụ thể là phi công nên rẽ trái. Vừa tránh vùng nhiễu động, mà vừa cho dù có khoảng không để phục hồi nếu sụp. Rất tiếc, phi công không đọc được dấu hiệu này, hoặc có thể tham lấy độ cao nên đã bỏ qua dấu hiệu và đi thẳng vào khu vực nhiễu động mạnh hơn và là nơi có chênh độ cao rất ít.
Thứ ba, mọi thời điểm trong chuyến bay, phi công luôn phải nắm được độ cao so với núi của mình và đưa ra hành động phù hợp. Ở trường hợp này, phi công người Nga đang ở vùng chắc chắn không đủ thời gian cho dù chính phục hồi. Do đó, ngay khi collapse (sụp), cần ném dù phụ ngay lập tức. Theo đánh giá qua thị giác của tôi, từ điểm bắt đầu collapse đến lúc tiếp đất, phi công có khoảng 20-30 m. Đây là độ cao dù phụ có thể không kịp mở 100%, nhưng chắc chắn sẽ mở được một phần, và sẽ giảm đáng kể lực va chạm. Nếu người chơi dù lượn tuân thủ tất cả các nguyên tắc an toàn, sự cố dẫn đến chấn thương là gần như không thể xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.