Thiện nguyện - điểm sáng trong mùa dịch Covid-19!

Phạm Hữu
Phạm Hữu
15/04/2020 14:23 GMT+7

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đâu đâu cũng thấy những tấm lòng thơm thảo của nhiều người dân, bạn trẻ giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Truyền tải sự yêu thương qua từ thiện

Khi dịch Covid-19 bùng phát đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân đặc biệt là các bạn trẻ hỗ trợ những người nghèo khó. Đặc biệt nhất kể từ khi cách ly xã hội được áp dụng, khắp nơi xuất hiện những lời kêu gọi cùng chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.
Những đóng góp như tiền, gạo... hoặc đơn giản là những nhóm bạn trẻ tự tay làm những chiếc khẩu trang, một ít phần quà bánh đến phát tận tay cho người nghèo. Dù ít dù nhiều thì nghĩa tình cao đẹp đó được đông đảo người dân, bạn trẻ hưởng ứng một cách vô tư.
Gần nhất là chuyện một nhóm nghệ sĩ tình nguyện nấu cháo, gói quà để phát cho những người vô gia cư trong 15 ngày cách ly xã hội phòng dịch Covid-19. Cứ thế, vào mỗi buổi chiều, nhóm của anh lại mang nồi cháo cùng quà bánh ra góc đường để phát cháo cho người nghèo khi đi ngang qua.

Chiến dịch 14 ngày sẻ chia yêu thương của nhóm nghệ sĩ

Trao đổi với chúng tôi, anh Tony Nguyễn chia sẻ ý tưởng giúp đỡ người nghèo xuất hiện khi mới có lệnh cách ly xã hội. Anh cùng nhóm bạn tự nguyện đóng góp tiền bạc cá nhân để làm việc thiện. Sau đó nhiều người thấy vậy tự tay mang gạo hoặc tiền đến để góp sức thêm cho nhóm.
“Quan trọng nhất là truyền tải sự yêu thương, hỗ trợ vật chất thiết yếu cho người nghèo. Anh em muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho mọi người trong mùa dịch Covid-19, chỉ vậy thôi”, anh Tony Nguyễn cho biết.
Hay gần đây là những cây ATM gạo mọc lên khắp cả nước để giúp đỡ những người vô gia cư. Hoặc câu chuyện về thầy giáo Tây cầm bảng xin trợ giúp sau đó được nhiều người chung tay hỗ trợ. Nhiều bạn trẻ tìm đến tận nơi ở của thầy giáo này để giúp vượt qua cơn khốn khó. Tối đến, trên các ngả đường, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh một hoặc vài bạn trẻ cùng nhau đi phát cơm từ thiện cho những người vô gia cư.
Chỉ là một nhóm nhỏ tự phát, Trần Thị Thu Nguyệt (ngụ đường Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chọn cách chung tay với xã hội theo cách riêng của mình là hỗ trợ quà và khẩu trang cho những công nhân lao công ngoài đường. Thỉnh thoảng nhóm tự tay mua sữa, quà rồi đi các con đường gửi tặng. Mặc khác, nhóm tìm được sự hỗ trợ quý giá từ nhiều bạn trẻ khác như: nước rửa tay, khẩu trang… rồi gửi về một số tỉnh để tặng cho người nghèo.
Thu Nguyệt cho rằng: “Mục đích và ý nghĩa của việc làm từ thiện của nhóm không phải là một món quà từ thiện, mà đó là món quà tri ân, cảm ơn những người thầm lặng trong mùa dịch Covid-19...”.

"Là những que diêm đốt cháy lòng thương người"

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện tại TP.HCM, chia sẻ việc làm thiện nguyện trong mùa dịch của nhiều bạn trẻ hiện nay là tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nó đúng như câu “lá lành đùm lá rách hoặc người trong một nước phải thương nhau cùng” nên đó là tấm lòng của người Việt từ xa xưa. Mỗi khi đất nước hay ai đó gặp khó khăn đều dấy lên sự chung tay của cộng đồng. Theo đó, lòng tốt không ở đâu xa mà nó nằm trong chính truyền thống của người Việt được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều đời.

ATM gạo tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian cách ly xã hội

Tiến sĩ Thúy nói: “Về những tấm gương, cá nhân làm việc thiện trong mùa dịch Covid-19 thực sự là một điểm sáng, là những que diêm đốt cháy lòng thương người của tất cả mọi người. Lòng tốt có sự lan truyền, một người làm việc tốt có thể kéo theo được nhiều người làm tốt. Ví dụ như cây ATM gạo theo tôi nó đã lan tỏa khắp nơi. Còn tôi cách đây 2 tháng cũng làm từ thiện bằng cách tham vấn tâm lý miễn phí. Đến giờ thì cũng có vài đồng nghiệp của tôi làm rồi. Cứ một người làm thì sẽ có nhiều người làm, đấy là một tín hiệu tuyệt vời".
Điểm sáng thứ 2 mà tiến sĩ Thúy muốn nhấn mạnh là những người khó khăn được giúp đỡ xã hội sẽ bớt đi người nghèo. Giảm bớt được những người bệnh, người cùng đường thậm chí bớt đi tội phạm cho xã hội. Ví dụ một người đang khó khăn chỉ cần giúp một miếng ăn, bữa cơm vô cùng quý, hạn chế nhiều tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra những người nghèo cũng cảm thấy ấm lòng bởi họ được quan tâm, cưu mang. Điều đó sẽ tạo cho người nghèo tin vào lòng tốt, tin vào cuộc đời này.
“Khi hết dịch Covid-19 rồi cũng sẽ còn những người khó khăn, thất nghiệp, có những người có những nỗi khổ khác. Tôi nghĩ sau dịch mọi người cần duy trình tình cảm lá lành đùm lá rách này. Nhà nước nên tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thực hiện việc làm từ thiện này”, tiến sĩ Thúy nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.