Thương sao những ngày giáp tết

23/01/2019 16:49 GMT+7

Khi bước sang ngày 20 tháng chạp, người ta vẫn thường gắn vào sau mỗi ngày ấy chữ tết như: 23 tết, 24 tết. Và cũng từ những ngày này, không khí xuân trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết.

Ở quê, nội tôi gọi bảo nhà nhà đã lặt hết lá mai, tưới nước đều đặn chờ mai ra nụ mới. Khắp những khoảnh sân nhỏ, mọi người bày phơi kiệu trắng ngà. Cả nhà tôi hay nói, thấy nội làm dưa kiệu là thấy tết tới rồi. Mà thiệt vậy, mỗi lần nhìn nội lau chùi mấy hủ thủy tinh, nhặt rửa từng mớ kiệu là tưởng tượng ngay đến mùi cay nồng của dưa kiệu, đến hương thơm của thịt kho và cả vị béo ngọt của bánh tét - những hương vị hết sức đặc trưng của ngày tết quê tôi.

Những ngày giáp tết, mẹ vẫn sớm hôm ngoài đồng trông lúa trổ, lo mùa này dễ sâu bệnh. Tôi vẫn nhớ những ngày này mỗi năm, hai chị em sẽ phân nhau làm việc nhà, lau dọn nhà cửa nhất là bàn thờ ông bà, lo tưới mấy chậu hoa vạn thọ, lặt rau, lặt hành rồi trông ngóng mẹ về đưa ông Táo về trời.
Những ngày giáp tết, không biết sao nghe tiếng gió cũng vội vàng, gấp rút. Người người ngược xuôi cố làm xong công việc, những người xa quê gấp gáp đặt vé cho kịp về nhà đêm giao thừa, tôi cùng chúng bạn cũng nôn nao chuẩn bị đồ đạc, gói ghém ít món quà như bộ đồ mới, mấy bao lì xì cho đứa em ở nhà.
Ngày xưa còn nhỏ, tôi cũng chỉ đơn giản thấy những ngày giáp tết thật vui, vui trong sự nôn nao chờ được mẹ mua quần áo mới, mong được ăn thỏa thích bánh mứt, được chạy tung tăng khắp xóm theo sau con lân, ông địa và được nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ.
Rồi khi lớn lên, tôi nhận ra, những ngày này, những năm lúa mùa trước thất, mẹ vừa quét nhà vừa thở dài một lượt. Cha tôi lại chạy xe đến gần giao thừa mới về đến nhà. Thì ra những ngày giáp tết không chỉ có những niềm vui mà còn là sự muộn phiền của cha, của mẹ vì sợ không thể lo đủ đầy cho ngày tết . Vậy mới thấy thật thương những ngày giáp tết, thương những người lao động vẫn miệt mài làm lụng, có khi phải ngậm ngùi ở xa xứ chẳng kịp về đêm giao thừa cùng gia đình.
Những ngày giáp tết, trẻ nhỏ bắt đầu mong áo mới, người già mong con cháu quay về. Cây lá cũng hòa vào không khí cuối năm, sau giấc ngủ đông dài cũng nôn nao cựa mình đâm chồi nảy lộc. Thương sao những ngày giáp tết!
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến…, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.