'Tôi thủ khoa 2 đại học, nhưng ra trường không biết gì’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
16/01/2019 19:52 GMT+7

'Tôi là thủ khoa 2 trường đại học ở Việt Nam, nhưng ra trường, tôi không biết gì. Tôi đi học nước ngoài và chấp nhận học lại từ đầu', chị Nguyễn Phi Vân , Chủ tịch Retail & Franchise Asia, nói.

Trường học chỉ là một trong những kênh để học hỏi

Buổi trao đổi về chủ đề Công dân toàn cầu thế kỷ 21 vừa diễn ra tại Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM chiều 16.1 “nóng” với sự xuất hiện của chị Nguyễn Phi Vân, nữ Chủ tịch Retail & Franchise Asia.
Nói trước đông đảo các sinh viên, bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh, các bạn trẻ cần chủ động học hỏi, bởi tương lai là không biên giới, không có giới hạn nào cho nghiên cứu, tìm tòi, những cơ hội sẽ đến với mình.
“Bất kể một công trình giáo dục nào, ở bất cứ đất nước nào, dù hiện đại phát triển đến đâu rồi cũng sẽ lỗi thời. Do đó, người trẻ cần học về phương pháp học, phương pháp giải quyết vấn đề để thích ứng và giải quyết các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai”, chị Nguyễn Phi Vân nói.
Đông đảo sinh viên quan tâm tới chủ đề Công dân toàn cầu thế kỷ 21 Thúy Hằng
“Trường học chỉ là một trong những kênh để các bạn trẻ có thể học hỏi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng, còn lại người trẻ có thể học hỏi trên internet, từ những buổi chia sẻ như hôm nay, hay những buổi hội thảo về sáng tạo, các buổi nói chuyện với các nhà khởi nghiệp, về trí tuệ nhân tạo AI… đừng có ngại mà không 'xông vào' để học. Học trên trường là không đủ đâu”, chị Nguyễn Phi Vân nói thêm.
Chị Vân nói với các sinh viên: “Tôi có ngày hôm nay là nhờ tôi chấp nhận rằng là tôi không biết gì, tôi phải học lại mọi thứ từ đầu, dù khi ở Việt Nam, tôi là thủ khoa 2 trường đại học. Sẽ không có điều kỳ diệu nào tự nhiên đến, khi mở mắt ra một cái, bạn bỗng dưng trở thành công dân toàn cầu. Nếu bạn sợ vất vả, bạn không biết bò, lăn qua những khó khăn, thì bạn sẽ không bao giờ bước qua cánh cửa mình mong muốn. Khi tôi viết cuốn sách Tôi, tương lai & thế giới, cái tôi muốn truyền tải với bạn trẻ là bạn phải hạ thấp bản thân xuống vì ngoài kia có quá nhiều thứ phải học, hãy đề ra mỗi ngày có 3 thứ phải học. Cứ mỗi năm, tôi đến một nơi, ngồi xuống, viết lại, những gì học được, cái gì học nhưng chưa hiểu, cần hiểu thêm, cho đến bây giờ thói quen này vẫn không đổi. Lúc nào cũng phải cập nhật cái mới, cái gì không hiểu thì tìm hiểu tiếp, không bỏ ngày nào”.

Tự hỏi "tôi đã tử tế chưa"

Một bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học 12 năm, hỏi chị Phi Vân: “Làm sao để tôi có thể dạy con tôi tiếng Anh bây giờ, khi mà con tôi chỉ thích chơi xếp hình, robot, còn tôi cũng không giỏi tiếng Anh”.
Chị Phi Vân (phải) trong sự kiện Thúy Hằng
Chị Vân đáp: “Phụ huynh hãy học cùng với con. Có thể vừa học vừa chơi. Học tiếng Anh không phải ngồi trong phòng học, im phăng phắc, cô nói gì, trò đọc theo. Nếu con thích ban nhạc Hàn Quốc thì hãy tìm cái video nào có ban nhạc đó nói tiếng Anh để con nghe theo, rồi xem phim, những thể loại phim mà con thích”.
Một nam sinh viên Trường ĐH Hoa Sen hỏi chị Vân, công nghệ có làm cho con người hạnh phúc hơn không, khi mà ngày càng nhiều vụ việc cho thấy đạo đức xã hội đang xuống dốc?
Chị Vân cho rằng hãy đặt câu hỏi cho chính mình, tôi đã tử tế chưa, tôi đã sống đúng là một con người chưa? Công nghệ không phải là nguyên nhân khiến bạn trẻ sống không hạnh phúc đi, một ông chỉ biết chăn gà trồng rau với một nhà khoa học làm robot, không có gì trì hoãn hạnh phúc, ngăn cản hạnh phúc của họ, quan trọng nhất chính là cách họ sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.