Khỏi bệnh ở lại viện chăm bệnh nhân Covid-19
Đó là Hà Ngọc Trường (28 tuổi, trú P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) điều trị ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi đã khỏi bệnh và đủ điều kiện xuất viện từ 1 tháng trước, nhưng anh đã xin ở lại để cùng đội ngũ y tế chăm sóc các bệnh nhân khác.
Suốt từ ngày 15.7 đến nay, Trường tất bật thay tã, lau người, thay quần áo, gội đầu, bóp lưng bóp vai, đút cháo sữa cho các cụ già, động viên an ủi người bệnh, lau dọn phòng bệnh… từ sáng sớm tới khuya. Hai tháng qua, anh giảm 11 kg. Để đảm bảo an toàn, lúc chăm sóc các bệnh nhân khác, Trường đều mang khẩu trang, đeo găng tay cẩn thận.
“Tôi hay nói giỡn với các bà “có khi mai con về”, có bà nói con ơi con về thì bà biết làm sao. Hay có chị bệnh nhân chuyển nặng, phải tới khoa khác, chị cứ nắm chặt tay tôi “em ơi đừng bỏ chị nghe”, thương lắm”, Trường kể.
“Ngày trước ở nhà, tôi hay gội đầu cho mẹ. Bây giờ vào đây, tôi coi những bệnh nhân như cha mẹ, người thân của mình. Mỗi tối, tôi chỉ dành một vài tiếng để nghỉ ngơi, còn lại dù nửa đêm hay 3 - 4 giờ sáng, tôi vẫn chạy qua các phòng xem ai cần giúp gì không. Tôi sẽ còn gắn bó công việc này tới khi nào hết dịch. Lúc vui nhất là thấy các bệnh nhân xuất viện. Nhưng đau xót nhất là chứng kiến những người phải ra đi, tôi hay đặt bàn tay mình lên ngực họ, mong họ ra đi thanh thản”, Trường xúc động.
Cha và người em sinh đôi của Trường cũng là 2 F0 đã xuất viện và trở về nhà. Nhưng 5 ngày trước, mẹ của Trường - F0 59 tuổi điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - đã qua đời. Nén nỗi đau mất mẹ, Trường tận tụy chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 khác, bởi anh luôn tin, ở thế giới bên kia mẹ sẽ mỉm cười khi thấy con trai làm điều ý nghĩa.
Theo bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, với đặc thù là bệnh viện xa trung tâm thành phố, nhân sự ít trong khi số lượng bệnh nhân mỗi ngày một nhiều, nên việc các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh ở lại phụ giúp y bác sĩ rất đáng trân trọng. “Có thêm lực lượng hỗ trợ là các F0 đã khỏi bệnh thì nhân viên y tế chúng tôi có thời gian tập trung chuyên môn để điều trị cho các bệnh nhân nặng”, TTXVN dẫn lời bác sĩ Xuân cho biết.
F0 kể kinh nghiệm trị bệnh tại nhà
Sau 16 ngày kể từ lúc nhận kết quả xét nghiệm dương tính và hành trình tự điều trị tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, Mai Thùy Dương (30 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) chia sẻ điều quan trọng là bình tĩnh, lạc quan, nhưng không được chủ quan.
“Câu chuyện bắt đầu từ ngày 26.7, mẹ và mình quyết định đi test để đảm bảo, nếu dương tính thì chủ động chữa trị còn âm tính thì yên tâm phần nào. Sau khi liên hệ y tế phường, mình test nhanh dương tính, test PCR cũng xác nhận dương tính”, Dương kể.
|
Có mẹ là bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nên tâm lý Dương khá ổn định. Dương cho biết do mất vị giác và khứu giác nên ăn uống không thấy ngon, hầu như phải vừa ăn cơm vừa uống nước cho trôi. May mà tới ngày 27 đã có lại vị giác dù mũi vẫn ngửi được rất kém.
“Trong thời gian từ 20 - 26.7 mình uống thuốc do mẹ kê đơn và thuốc giảm đau họng. Sau đó hết đau họng thì mẹ bảo ngưng các loại thuốc. Mình chỉ tiếp tục uống vitamin và thuốc sắt bổ máu như trước giờ vẫn uống. Xông họng với sả gừng 2 lần/ngày”, Dương kể. Dương cho biết thêm, ngày nào cũng có tổng đài 18001119 gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe để tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Sau hành trình tự điều trị Covid-19 tại nhà, Dương chia sẻ: “Mình thấy tâm lý rất quan trọng, mình may mắn hơn vì có mẹ là bác sĩ. Nhưng cho dù các bạn không có người thân là bác sĩ thì nếu chẳng may nhiễm bệnh cũng phải giữ tinh thần thật bình tĩnh. Mọi người nên chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin chính quy, đáng tin tưởng như Facebook của bác sĩ Trương Hữu Khanh và các bác sĩ khác, theo dõi các trang thông tin của Bộ Y tế. Đừng đọc quá nhiều nguồn rồi tự mình hù mình, càng hoang mang thì càng không tốt cho việc giữ bình tĩnh để phục hồi. Vì khi mình hoang mang lo lắng thì sẽ tìm đọc nhiều nguồn thông tin mà trong đó có các nguồn chưa được kiểm chứng, không chính xác…”.
Tinh thần rất quan trọng
N.Ng (25 tuổi, quê Đắk Lắk, công nhân Công ty Nidec Sankyo, TP.HCM) cũng là một F0 sau thời gian điều trị đã được xuất viện ngày 26.7. "Phòng của tôi có 6 người, thì 4 người cùng khỏi bệnh và ra viện một ngày. Giây phút ấy tôi hạnh phúc vô cùng", N.Ng nói với PV Thanh Niên.
Kể về cuộc chiến chống lại Covid-19 của mình, N.Ng cho hay cô tập yoga trong phòng ở bệnh viện dã chiến mỗi buổi sáng. Sau đó, N.Ng cùng các F0 khác chia nhau dọn dẹp nơi ở cho gọn gàng sạch sẽ, thu dọn rác, chà rửa nhà vệ sinh, rồi mới ăn sáng, uống thuốc, pha nước chanh ấm để uống…
Bệnh viện dã chiến nơi N.Ng được điều trị Covid-19 là một khu chung cư được trưng dụng ở TP.Thủ Đức. Ban đầu, N.Ng có các triệu chứng như nhiều bệnh nhân Covid-19: sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, trong khi một số F0 khác trong phòng ho nhiều, thậm chí ho ra máu. Tuy nhiên, mọi người động viên nhau dù chán ăn, mệt mỏi thế nào cũng phải cố gắng ăn nhiều để có sức.
Để dễ nuốt, các cô gái chia đồ ăn thành những bữa ăn nhỏ, có khi một ngày ăn 5 bữa. Họ đặt mua bên ngoài một ấm siêu tốc nên thường xuyên có nước nóng để tắm, pha nước chanh, cam và nấu nước xông. Ngày nào họ cũng uống nước chanh ấm và súc miệng thường xuyên bằng nước muối.
“Tinh thần rất quan trọng với các F0 khi điều trị Covid-19. Những lúc buồn chán mệt mỏi, tôi nhắn tin với những người bạn thân mà biết tình trạng sức khỏe của mình. Tôi cũng được nghe tiếng nhạc, tiếng hát của các nghệ sĩ từ dưới sân của chung cư vọng lên”, N.Ng nói.
Hết F0 tiếp tục đi tình nguyệnTrương Trung Thành (25 tuổi, đoàn viên P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhiễm Covid-19 trong lúc tham gia tình nguyện chống dịch. Anh đi cách ly tập trung tại Trường THCS Bình Chiểu, P.Bình Chiểu.
Trước khi mắc Covid-19, công việc của Thành là hỗ trợ các ATM gạo, hỗ trợ tại điểm tiêm vắc xin cộng đồng, hỗ trợ phát nhu yếu phẩm cho bà con, phun khử khuẩn di động…
Là F0 nhưng Thành không mất tinh thần hay không chùn bước, đang cách ly anh vẫn chống dịch theo cách đặc biệt. Thấy bà con đang cách ly thiếu nước suối, nhiều em bé đi cách ly với cha mẹ không có sữa để uống, anh liên hệ với các nhà hảo tâm xin được gần 300 thùng nước suối (mỗi thùng 24 chai) và 100 thùng sữa.
Khi hết bệnh, Thành vẫn nán lại, xắn tay áo bốc xếp chuối từ trên xe xuống khu cách ly, để các nhân viên chia đều cho các phòng. Sau đó, anh về nhà và tiếp tục tham gia tình nguyện, kêu gọi được 5 tấn thanh long ruột đỏ từ Long An gửi tặng cho Quận đoàn Gò Vấp.
|
Bình luận (0)