Từ 'Rạp hát cổ tích' đến 'Sách chuyền tay'

03/10/2018 09:06 GMT+7

Mỗi ngày, có những bạn trẻ nỗ lực nghĩ ra nhiều cách thức để sáng tạo các chương trình, dự án ... vì cộng đồng.

Trong sự kiện “Rút ngắn khoảng cách”, ngày hội gây quỹ cộng đồng phi lợi nhuận do Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng LIN tổ chức tại TP.HCM mới đây, chúng tôi được tiếp xúc với những người trẻ đầy tâm huyết này.
Bệnh nhi không còn… đơn độc
Tham gia ngày hội, nhóm sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM giới thiệu dự án Rạp hát cổ tích, dự án này nhằm mang niềm vui tinh thần cho những bệnh nhi đang điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Theo nhóm, các bệnh nhi và người nhà ở bệnh viện không có cơ hội được hưởng thụ những chương trình giải trí thực sự. Vì phải điều trị nội trú trong thời gian dài, hằng ngày nằm trên giường bệnh, các em dễ có tâm trạng buồn chán và từ đó có thể làm chậm quá trình chữa trị.
“Chứng kiến những em bị suy thận mãn tính, mỗi ngày mệt mỏi, vật vã, đau đớn khi phải chạy thận suốt đời, hay hóa xạ trị nhiều lần, những người trẻ như tụi mình không cầm lòng được. Còn là sinh viên, chưa thể khám chữa bệnh, thì chỉ có thể “chữa” về tinh thần cho các em, để các em không còn đơn độc chống chọi với bệnh tật. Chính vì thế, dự án của nhóm ra đời”, Đỗ Thị Ngọc Trinh, thành viên nhóm, lý giải.
Với dự án này, hằng tuần nhóm tổ chức các vở múa rối, chiếu phim và kể chuyện cho các bệnh nhi. Mỗi vở diễn, cả đội ngũ phải thay phiên nhau, người múa, tốp phụ trách đọc lời thoại rồi tốp khác lo âm thanh, ánh sáng…
“Thật ra tụi mình vẫn có thể thu âm lại rồi tới lúc diễn chỉ cần phát lên là xong. Nhưng tụi mình đến với các em là vì tình cảm, chính vì thế nhóm luôn cố gắng thể hiện sự chân thành để các em nhỏ cảm nhận được và thấy hạnh phúc hơn, mà tụi mình cũng hạnh phúc hơn rất nhiều”, Trinh chia sẻ.
Các thành viên dự án Rạp hát cổ tích đang thực hiện vở múa rối

Ngoài dự án Rạp hát cổ tích, nhóm còn thực hiện rất nhiều hoạt động và dự án khác cho các bệnh nhi. Đặc biệt là hằng tuần các bạn tổ chức các lớp học tại bệnh viện, mỗi buổi học như vậy sẽ cung cấp cho các em những kiến thức phổ thông, kỹ năng xử lý trong y khoa (như sơ cứu vết thương đứt tay, rắn cắn, gãy xương...) cùng những kỹ năng ứng xử đời thường khác.
“Không chỉ giúp cải thiện đời sống tinh thần để hỗ trợ việc điều trị cho các bệnh nhi mà những dự án tụi mình làm cũng mong muốn giảm được căng thẳng, lo âu và tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho người nhà của các bé. Và một điều đặc biệt hơn nữa, tụi mình muốn giảm bớt phần nào áp lực khám và chữa bệnh, để bệnh viện là nơi không chỉ có đau thương mà còn chứa chan tình người”, Trinh tâm huyết.
Sách chuyền tay
Là dự án của 2 bạn trẻ Phạm Ngọc Hoàng Huy và Huỳnh Quang Dũng (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), với mong muốn tận dụng được nguồn sách nhàn rỗi để cùng san sẻ với những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, những địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn sách hoặc những người có nhu cầu đọc sách.

Dự án cho mượn sách miễn phí từ việc thu gom nguồn sách chung của quỹ sách chuyền tay. Lúc đầu chỉ có 20 cuốn, nhưng bây giờ nguồn sách của dự án đã là 11.000 cuốn và các bạn đang cho mượn khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Tụi mình đặt niềm tin lên trên hết. Lúc đầu khi biết đến dự án, có những bạn ở các tỉnh thành khác đã liên hệ mượn sách thử. Nhưng họ không ngờ rằng một ngày lại tận tay nhận những cuốn sách được gói cẩn thận như một món quà. Bởi lúc đầu họ hoài nghi, vì làm gì có chuyện cho mượn sách miễn phí mà còn chuyển đến tận nơi. Nhưng tụi mình làm được điều đấy nên đã tạo được lòng tin với họ, và sau đó nhiều người gửi về nguyên một thùng sách để tặng dự án. Và những bạn đọc khác cũng vậy, nhờ đó mà quỹ sách của tụi mình tăng lên rất nhiều”, Dũng lý giải.
Và cứ như thế, sách lại chuyền tay từ người này đến người khác và dự án là nơi kết nối những người có sách nhàn rỗi và những người cần sách.
Hiện nay dự án đã đặt được các tủ sách ở 20 tỉnh thành trên cả nước và các quận tại TP.HCM. Ở đường sách Nguyễn Văn Bình, dự án đặt 2.000 đầu sách để cho mượn, đọc miễn phí và sẽ luân phiên thay đổi sách theo tuần.
“Điều đặc biệt là dự án còn có thể định vị được các nguồn sách. Ví dụ, bạn ở Q.1 và muốn tìm một cuốn sách nào đó thì chỉ cần bấm cuốn sách đó trên web của dự án thì những người nào ở gần khu vực có cuốn sách đó sẽ tự động báo về tình trạng cuốn sách là muốn bán, cho thuê, bán rẻ, hay cho đi và 2 người sẽ tự liên hệ với nhau để lấy sách về”, Dũng phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.