Tuổi trẻ ngành y 'cháy hết mình' trong tâm dịch

Lê Tân
Lê Tân
30/05/2021 15:44 GMT+7

Hàng trăm sinh viên, giáo viên trường y ở TP.Hải Phòng, Hải Dương và Nam Định đã xung phong vào tâm dịch Bắc Giang để chi viện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 .

Sốc nhiệt, mồ hôi đầm đìa mà không được uống nước

“Chúng tôi làm việc dưới cái nắng gắt và trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, nóng kinh khủng. Suốt từ 6 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa, chúng tôi ở trong bộ đồ đó, bị sốc nhiệt, mồ hôi đầm đìa mà không được uống nước. Có người không chịu nổi phải xin nước đá dội lên người”, Trần Phương Hạnh (31 tuổi), giảng viên Trường ĐH Y Dược Hải Phòng đang làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang, chia sẻ nhanh với Thanh Niên khi vừa trải qua 1 ngày dài làm việc.
Trước đó, vào ngày 27.5, 83 cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (12 cán bộ giảng viên cùng 71 sinh viên lớp Xét nghiệm y học K10) đã lên đường chi viện phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.

83 cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang

Ảnh NVCC

Đi làm nhiệm vụ ở vùng dịch, chị Hạnh đã lên đường đúng ngày sinh nhật con gái nhỏ: “Lần đầu tiên con gái đón sinh nhật mà không có mẹ ở bên cạnh. Đêm trước khi đi, tôi không ngủ được, nằm ngắm 2 con. Nhưng nhiệm vụ mà, tuyến đầu đang cần chi viện. Chồng và bố mẹ 2 bên cũng động viên để tôi có thể yên tâm lên đường”, chị Hạnh chia sẻ.
Thời điểm này, thời tiết ở Bắc Giang rất nắng, nóng. Trong khi đó, lượng người cần lấy mẫu quá lớn. “Sáng 29.5, chúng tôi đi từ 5 giờ sáng để lấy mẫu thôn Ninh Khánh, TT.Nếnh, H.Việt Yên, Bắc Giang. Tranh thủ ăn trên xe rồi vào việc, nhiệt độ tăng cao theo thời gian, nhiều lúc tưởng không trụ được. Cô trò chúng tôi động viên nhau cố gắng làm liên tục vì không muốn người dân phải đợi lâu”, chị Hạnh cho biết.
Đến gần 12 giờ trưa, khi việc lấy mẫu tạm thời kết thúc, chị Hạnh cởi bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mô hồ ra mới thấy bàn tay của mình phồng rộp, nhăn nheo. “Lúc này chúng tôi mới tự cho phép mình nằm nghỉ một chút, một chút thôi vì còn nhiều việc phải làm lắm”, chị Hạnh chia sẻ.
Luôn sẵn sàng vào tâm dịch 
Từ chiều 16.5, 267 giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lên đường hỗ trợ cho Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch COVID-19. Trong đó, 3 cán bộ, giảng viên và 212 sinh viên các lớp Xét nghiệm, Điều dưỡng và Y đa khoa đến hỗ trợ Bắc Giang; 2 giảng viên và 50 sinh viên lớp Xét nghiệm đến hỗ trợ Bắc Ninh. Đây là lực lượng có kinh nghiệm, từng tham gia truy vết, xét nghiệm khi Hải Dương bùng phát dịch Covid-19. 

Theo ông Ngụy Đình Hoàn, giảng viên Khoa Xét nghiệm Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trưởng đoàn công tác, với quân số này, đội chi viện của Hải Dương có thể hỗ trợ lấy khoảng 20.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để cùng Bắc Giang tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm, góp phần cùng địa phương nhanh chóng kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, ông Hoàn chia sẻ.

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp Y đa khoa 4, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi tình nguyện vào vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm. Tôi biết dịch Covid-19 rất nguy hiểm, nhưng đây là nhiệm vụ mà những người trẻ tuổi trong màu áo trắng phải sẵn sàng thực hiện để đẩy lùi dịch bệnh".

Những sinh viên trẻ Trường Đại học điều dưỡng Nam Định hừng hực khí thế tiến vào tâm dịch Bắc Giang làm nhiệm vụ

Ảnh NVCC

Cùng chia lửa cho tâm dịch, vào sáng 28.5, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã tổ chức lễ xuất quân tiễn đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang. 54 người được chọn từ danh sách 350 cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đăng ký, đã lên đường vào tâm dịch.
Sinh viên Hoàng Ánh Chi (23 tuổi), Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, là người lần đầu đi làm nhiệm vụ ở vùng dịch, cho biết: "Em học ở Nam Định nhưng quê ở Bắc Giang. Nghe tin quê nhà đang lao đao vì dịch Covid-19, em đứng ngồi không yên. Bên cạnh đó, thấy anh chị em trong ngành đang chống dịch rất vất vả nên em đã xin đi và thật may mắn là em được chọn".
Ánh Chi thừa nhận, công việc tại vùng dịch (truy vết, tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiêm) vất vả ngoài sức tưởng tượng của cô sinh viên năm thứ nhất này. "Cả ngày tắm trong cồn vì trước và sau khi tiếp xúc với người dân đều phải khử trùng. Lần đầu tiên tôi biết say nóng là gì, thật sự kinh khủng!", Ánh Chi thốt lên. 
Ngày hôm qua, Ánh Chi cùng các bạn trong nhóm đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 700 người tại một công ty ở TP.Bắc Giang. Sáng nay, Ánh Chi lại được tăng cường về CDC Bắc Giang thực hiện việc truy vết. "Công việc của tôi sẽ phải ngồi máy bắt đầu từ 7 giờ sáng đến tận 23 giờ. Khi làm phải tắt hết điện thoại để tập trung tinh thần vào việc", Ánh Chi tranh thủ lúc nghỉ ngơi chia sẻ về công việc trong tâm dịch.
Công việc tuy vất vả, áp lực nhưng Ánh Chi và các bạn trẻ trong đội được người dân địa phương ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều. "Người dân nơi chúng tôi đang ở ngày nào cũng mang đồ ăn, nước uống đến đặt trước cửa để chúng tôi đi làm về thì dùng, ấm lòng lắm ạ!", Ánh Chi tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.