Nữ công nhân 38 tuổi qua đời vì Covid-19, con trai chị cứ hỏi ‘mẹ con đâu rồi?’

Thanh Khương
Thanh Khương
28/05/2021 14:17 GMT+7

Đã 4 ngày trôi qua kể từ lúc con gái mất vì Covid-19 , bà Lý Thị Th.(60 tuổi, H.Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi mất mát vì bỗng chốc rơi vào cảnh ‘người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh’. Con gái bà là chị Đ.T.M (38 tuổi) nhiễm Covid -19 và qua đời.

Chị M. trước khi nhiễm bệnh là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu – một ổ dịch ở H.Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Ngày 24.5, chị M. không qua khỏi sau gần 1 tuần nhập viện khi trên đường chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) vì diễn biến nặng.

Ngày 24.5: Nữ công nhân 38 tuổi mắc Covid-19 ở Bắc Giang tử vong

Cuộc gọi sau cùng

Bà Th kể lại, sáng sớm 24.5 bệnh viện gọi điện nhưng vì để chế độ im lặng nên bà không nghe. Lúc sau, một cán bộ ở xã gọi điện báo tin dữ, bà và chồng bàng hoàng, đôi chân run rẩy không còn đứng vững.
Trước đó một ngày, bà gọi vào số chị M. liên tục nhưng không ai bắt máy nên sốt ruột vô cùng. Bởi lúc mới nhập viện, ngày nào chị cũng gọi về hỏi thăm sức khỏe của gia đình. Đến 7 giờ tối, thấy con gái gọi về, người mẹ thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng trách “sao mẹ gọi cả ngày cho con không được”. Chị liền giải thích: “Bác sĩ bảo phổi yếu, cần đeo máy thở và truyền nước nên để lúc nào khỏe thì con lại gọi về”.

Mỗi lần thấy cháu hỏi mẹ, bà Th. lại không cầm được nước mắt

ẢNH: NVCC

Người mẹ hồi tưởng: “Tôi hỏi con đeo máy có dễ thở hơn không, con gật đầu. Con bảo mẹ ơi đeo máy này phải thanh toán 1 triệu vì nằm ngoài bảo hiểm. Tôi mới nói 1 triệu thì 1 triệu chứ biết làm sao, rồi hỏi con còn tiền không, nếu không thì để mẹ nhờ người bắn tiền vào thẻ cho. Con trả lời có và cười thật tươi, vậy mà…”.
Qua màn hình điện thoại, bà Th. thấy con gái ăn hết bát cháo mới chịu cúp máy, trong lòng còn mừng vì nghĩ rằng sức khỏe của con mình đã khá hơn. Ngờ đâu, đó là lần cuối hai mẹ con được nói cười với nhau.
Hiện tại, gia đình bà Th. đang cách ly tại nhà do có con gái qua đời vì Covid-19. “Con gái mất nhưng không có ai ở cạnh, ngày hỏa táng con cũng chỉ có bố được tới”, mẹ của chị Minh xót xa nói.

Trưa 28.5: Bệnh nhân Covid-19 thứ 47 tử vong là một cô gái 22 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo

Chưa từng làm sinh nhật cho con trai

Theo lời bà, chị M. là chị cả trong gia đình ba chị em. Hết cấp 2, chị nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn rồi một mình vào nam tìm việc làm. Trong 6 năm ở nơi đất khách quê người, chị Minh chỉ về thăm nhà đúng một lần vì xa xôi và tốn kém.

Nữ công nhân 38 tuổi mắc Covid-19 ở Bắc Giang tử vong

Cưới chồng nhưng hôn nhân không hạnh phúc, chị về nhà mẹ đẻ lúc đang mang thai bé Nguyễn Đ.H (6 tuổi). Khi bé được 2 tuổi thì chị gửi con nhờ ông bà ngoại trông nom để xuống Bắc Giang làm công nhân. Chỗ làm cách nhà chưa đầy 50 km nên cuối tuần nào chị cũng về thăm bố mẹ và con trai.
Lần cuối chị M. về thăm nhà là ngày 9.5. Lúc đó chị còn bảo với mẹ rằng: “Chưa năm nào con tổ chức sinh nhật cho con của con. Năm nay con tính mua một cái bánh kem, nhưng lỡ như hôm đó con không về kịp thì nhờ mẹ tới lấy bánh về cho cháu”. Nói tới đây, bà Th. chực khóc vì sinh nhật năm nay, cháu bà đã không còn mẹ.
Vài ngày sau, bà Th. mới dám dẫn cháu ra mộ thăm mẹ. “Tôi bảo cháu lạy 3 cái nói là “Mẹ ơi, con H, của mẹ đây”, cháu làm theo rồi hỏi: “Sao mẹ lại ở đây, mẹ ở công ty cơ mà”. Dọc đường đi, bé thắc mắc: “Mẹ con đâu rồi bà ơi”. Về tới nhà, nghe cháu nói “bà ơi, mẹ con chết rồi ạ”, cả nhà không cầm được nước mắt”, bà nghẹn giọng.

Bác sĩ Chợ Rẫy chi viện Bắc Giang: “Khống chế được dịch Covid-19 mới về”

Chị M. ra đi để lại nỗi đau và mất mát không gì bù đắp được cho gia đình. Vợ chồng bà Th. nay đã ngoài 60 tuổi nhưng một lần nữa phải “làm bố, làm mẹ” của cháu H.. “Không biết rồi đây 2 ông bà già có đủ sức lo cho cháu không, dù nghèo thế nào thì tôi cũng mong cho cháu ăn học tới nơi tới chốn để mẹ nó an lòng”, bà tâm sự.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Phạm Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vân Nham, cho hay: “Vợ chồng bà Th. đều đã lớn tuổi, không có nguồn thu nhập nào khác ngoài đồng ruộng, nay lại chăm thêm cháu H. ăn học nên rất vất vả. Lúc hay tin chị M. mất, đại diện của xã đã xuống hỏi thăm, động viên và hỗ trợ gia đình một số tiền”.
Gia cảnh chị M. khó khăn, việc nuôi dưỡng cháu H. giờ chỉ còn trông mong vào sức khỏe của ông bà ngoại. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.