Giữ đà và tăng chất cho tăng trưởng

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/12/2018 08:57 GMT+7

Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2018 là toàn diện, ấn tượng, song không vì thế mà say sưa với thành tích và phải giữ cho bằng được mức tăng trưởng kinh tế của năm qua cũng như “tăng chất” cho GDP.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2018 là toàn diện, ấn tượng, song không vì thế mà say sưa với thành tích và phải giữ cho bằng được mức tăng trưởng kinh tế của năm qua cũng như “tăng chất” cho GDP.
Ngày 28.12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng bí thư, Chủ tịch nước dự hội nghị và có phát biểu quan trọng. Hội nghị cũng có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo các ban của Đảng, MTTQ.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị Ảnh: Nhật Bắc
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị Ảnh: Nhật Bắc

“Tăng trưởng ít nhất cũng bằng 2018”

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá những kết quả năm qua là “toàn diện, ấn tượng”, “có lẽ chưa từng có” và “để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý” cũng như tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ sắp tới.
Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
“Không phải ngẫu nhiên mà không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục lan tỏa rộng khắp cả nước”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ, đồng thời chỉ ra 3 nguyên nhân mang lại kết quả này, đó là: Thừa hưởng những thành tựu to lớn qua hơn 30 năm đổi mới; những kết quả toàn diện đạt được trong 2 năm 2016 và 2017. Thứ nữa là nhờ có sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân. Và thứ ba chính là sự đồng tình, ủng hộ, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các lão thành, các tầng lớp nhân dân, báo chí... để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Dù vậy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã dẫn ra những tồn tại, yếu kém thời gian qua. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp; ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người... còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được. Bên cạnh đó là không ít thử thách phía trước như tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính, tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại. Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi”, đồng thời nêu ra một số nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên thời gian tới. Đầu tiên là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, duy trì đà tăng trưởng “cao hơn, hay ít nhất cũng phải bằng 2018” đi kèm với nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu. Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người theo quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho quốc dân đi. Ông cũng nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp để năm 2018 qua đi với nhiều kỷ lục và kết quả toàn diện. Người đứng đầu Chính phủ đã dành phần lớn thời gian để chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm và đề ra các định hướng lớn cho năm tới. “Tôi muốn nói tồn tại, bất cập vì nó còn nhiều. Đó là sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu. Bên cạnh một số địa phương chuyển đổi mô hình thì nhiều nơi chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm; các nguồn lực chưa được giải phóng như doanh nghiệp tư nhân lớn, hợp tác xã có quy mô còn ít. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn”, Thủ tướng nói. Ông cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng quy mô sản xuất?”.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc để yêu cầu các cấp chính quyền phải giải quyết tốt hơn để không “phát triển kinh tế trừ xã hội”. “Đó là bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi làm mất lòng tin nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính một số cơ quan T.Ư chưa nghiêm, không ít địa phương giải quyết công việc chậm trễ để doanh nghiệp kêu ca”, người đứng đầu Chính phủ nêu.
Thủ tướng chia sẻ, để giữ được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7,08% cho năm 2019 là điều đầy thách thức, bởi quy mô nền kinh tế đã lớn hơn nhiều, mẫu số 7,08% của 2019 do đó sẽ lớn hơn mẫu số 7,08% của năm 2018, lại đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường, với nhiều biến động phức tạp nên rất cần sự đoàn kết, chung sức với khát vọng lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu trong chỉ đạo điều hành quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, có giám sát thực hiện bởi đây là kinh nghiệm quý báu qua thực tiễn thành công của năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Ông giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng để trình Chính phủ quy định phân cấp cho địa phương, nhất là cho TP.HCM sớm trong tháng 1.2019.
“Ở T.Ư sẽ tập trung làm chính sách, pháp luật, các vấn đề liên ngành, liên vùng. Không nên ôm đồm ở T.Ư. Ai lại để địa phương ôm hàng đống tài liệu ra T.Ư chờ đợi, xin giấy phép. Đừng để tình trạng một hôm chúng ta ký cả vali giấy tờ. Như vậy thì thời gian đâu nghiên cứu chính sách”, Thủ tướng nói. 
Lo tết cho dân chứ đừng lo đi biếu xén cấp trên
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ông vừa ký ban hành chỉ thị về công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo đó, tinh thần mà Thủ tướng muốn người đứng đầu các ngành, các cấp trong hệ thống chính quyền thực hiện là chăm lo để nhân dân có cái tết đầm ấm, yên vui. “Tôi yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương quán triệt tới cán bộ mình là tập trung chăm lo tết cho người dân, chứ đừng lo đi biếu xén cấp trên”, Thủ tướng nói.
Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp tết, lễ hội... Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngay sau kỳ nghỉ tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo chỉ thị, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phải phù hợp với điều kiện, khả năng địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.