(TNO) Là một bác sĩ nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành về ngoại nhi, bác sĩ (BS)Trần Thành Trai cũng là một điển hình tiêu biểu cho trí thức ở lại phía “bên kia”. 40 năm, từng khoảnh khắc về thời cuộc như hiện lên trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên Online. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của BS Trần Thành Trai, một người đã chọn con đường ở lại với Việt Nam.
Bác sĩ Trần Thành Trai (đứng, bên phải) đang chỉ đạo ca mổ cho một cháu bé - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu
|
Tôi là anh cả trong một gia đình quê gốc ở Long An. Năm 1951, tôi đậu vào trường Petrus Ký nay là trường chuyên Lê Hồng Phong. Năm đó hình như cả Long An chỉ có mình tôi đậu trường Petrus Ký. Học hết tú tài, ban đầu tôi nộp đơn vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng thấy đa phần bạn bè nộp vào trường Y nên tôi nộp theo.
Năm 1965, sau bảy năm dùi mài kinh sử, tôi tốt nghiệp trường Đại học Y. Lúc đó chiến tranh rất ác liệt. Chính quyền có lệnh tổng động viên, tôi được đưa ra bệnh viện Duy Tân, làm việc ở đó suốt 9 năm với cấp bậc thiếu tá.
Sóng người di tản ở Đà Nẵng
Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được giải phóng. Khi nghe tiếng súng ở trên đèo Hải Vân, ở dưới này mọi người bỏ chạy, trong đó có tôi. Lúc đó, không có máy bay nên tôi phải chạy ra cảng Tiên Sa leo lên tàu buôn để đi về Sài Gòn. Đó là cuộc tháo chạy để tự cứu mình.
Nhưng lúc này đang có một sóng người ở miền Trung đang đổ về Sài Gòn, chính quyền không kiểm soát được nên ngăn chặn. Hầu như các tàu về Sài Gòn đều phải chạy ra Côn Đảo. Riêng tàu tôi lênh đênh ở biển miền Trung mấy ngày thì cập vào Sài Gòn.
Chính những ngày nằm trên tàu chịu đói chịu khát tự cứu sống mình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Vừa suy nghĩ, tôi vừa thấy tủi thân. Nếu mình không tự lo cho mình thì ai lo cho mình đây. Lúc đó bà xã tôi cũng là bác sĩ. Hai vợ chồng có ba đứa con, một đứa ba tuổi, một đứa hai tuổi, một đứa vừa mới ra đời nhỏ xíu xiu.
Khi về nhà, mọi người đều hỏi khi nào Sài Gòn mất, tôi trả lời chỉ đếm từng ngày thôi.
Lúc đó tôi có gần một tháng để quyết định ra nước ngoài hay không. Thời gian đó có rất nhiều tàu bè để đi nhưng tôi quyết định không đi. Lúc đó tôi còn ba má, em út, vợ con nên tôi chấp nhận ở lại Sài Gòn vì dù sao tôi cũng được ở bên những người thân yêu của mình.
|
Nhà tôi ở gần Lăng Ông (Bà Chiểu, Bình Thạnh). Chiều 29.4.1975, sau khi gạt bỏ chuyện đi rồi, tôi lên sân thượng nhìn qua tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Tôi nhìn từng chiếc trực thăng đáp trên tòa Đại sứ Mỹ bốc người đi ra Hạm đội 7. Tôi ngồi ở đó cho đến chiều tối khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh ra đi. Tôi nghĩ giờ thật sự mình đã ở lại rồi. Lúc đó tâm trạng buồn và giằng xé, ngổn ngang lắm. Buồn vì sự tan rã không thể ngờ nổi. Sự tan rã của chính quyền VNCH, mọi người tháo chạy, tôi có cảm giác như mình đang đứng giữa sa mạc hoang vu vậy.
Giờ mình phải chấp nhận cuộc sống mới thôi. Mấy ngày sau tôi ghi tên đi học tập, cải tạo. Ban đầu tôi học ở Biên Hòa, sau đó được đưa lên Bù Gia Mập, một huyện sát biên giới thuộc Bình Phước. Từ đó tôi xa gia đình suốt ba năm. Lên đó tôi tự đốn tre, cất nhà, trải chiếu ngủ dưới đất. Những lúc ngủ anh em nằm xung quanh, ai cũng kể chuyện hồi xưa thế này thế kia. Mọi người biết tôi là bác sĩ nên có bệnh gì ai cũng hỏi. Từ đó tôi chiếm được sự cảm tình của nhiều người.
Đại biểu Quốc hội
Bác sĩ Trần Thành Trai (ngoài cùng, bên phải) tại Kỳ họp Quốc hội khóa 10 - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu
|
Sau một thời gian tình hình trong nước tạm ổn. Lúc này thiếu thầy giáo, thầy thuốc những người như tôi được về sớm.
Về tới Sài Gòn, tôi nộp đơn xin việc. Sở Y tế thấy tôi có kinh nghiệm về phẫu thuật mà Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thiếu nên cho về Nhi đồng 1. Về bệnh viện, tôi ôm được tủ sách quý của một ông thầy về ngoại nhi. Lúc đó bệnh viện vẫn còn khoảng 10 bác sĩ của chính quyền trước 1975. Tôi vô sau nên học mấy anh đó. Trước đó có kinh nghiệm 9 năm ngoại khoa nên tôi học rất nhanh dù đối tượng chữa trị của tôi là các em nhỏ.
|
Năm 1988, có một cặp song sinh tên là Song - Pha dính nhau cần phải tách rời. Lúc đó tôi với vai trò trưởng khoa cùng với anh em mổ tách Song - Pha thành công. Lịch sử ngoại nhi từ trước đến giờ cũng có tách nhưng sau khi tách đứa còn đứa mất. Ca của tôi hai đứa đều sống. Đó là ca mổ đã đi vào lịch sử ngành y.
Sáu tháng sau tôi tham gia ê kíp mổ tách cặp song sinh Việt - Đức với anh Trần Đông A.
Sau đó một số người gợi ý tôi ứng cử hội đồng nhân dân thành phố. Tôi ứng cử và trúng. Làm được thời gian, khi có uy tín có người gợi ý tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi ra ứng cử và tiếp tục trúng đại biểu Quốc hội. Lịch sử Quốc hội khi đó mới có người trước đó làm cho chế độ cũ tự ứng cử và đắc cử. Một trong những lời tuyên thệ của đại biểu Quốc hội là trung thành với tổ quốc. Lúc đó tôi nghĩ không phân biệt cũ mới mà lúc đó ngoài bệnh nhân mình có một tổ quốc để mà lo lắng.
Phòng mạch tôi khi đó ở đường 3/2 vừa là phòng khám vừa là phòng tiếp dân. Khi đó nhiều báo chí cả trong và ngoài nước phỏng vấn tôi.
Tôi còn nhớ một phóng viên tờ báo của HongKong hỏi ông thuộc chế độ cũ ứng cử và đắc cử. Như vậy ông là đại diện cho gần 20 triệu người dân ở lại miền Nam phải không. Tôi trả lời tôi không phải đại diện của 20 triệu người dân miền Nam nhưng tôi tự hào là một trong 20 triệu người miền Nam ở lại xây dựng đất nước sau ngày 30.4.1975.
Bác sĩ Trần Thành Trai (bên phải) với đồng nghiệp Tôn Thất Bách (ngoài cùng bên trái)
|
Bác sĩ Trần Thành Trai - Ảnh: Trung Hiếu
|
“Tôi đã có tất cả”
Tôi ở lại Sài Gòn một phần tin tưởng vào những người lãnh đạo thời đó. Lãnh đạo thành phố có Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, ở ngành y thì có bác sĩ Dương Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế. Đó là những người tài và biết sử dụng người giỏi. Họ không phân biệt bên này hay bên kia mà cái gì tốt cho đất nước, tổ quốc thì họ làm.
Cho nên khi bác sĩ Dương Quang Trung mất, quàn ở nhà tang lễ Lê Quý Đôn, tôi đến viếng và viết vào sổ tang: “Em còn ở lại ngày này là do anh đó anh Tư Trung. Anh là nguồn động viên để em và một số người ở lại quê hương của mình”. Chính nhờ bác sĩ Dương Quang Trung cho nên lúc đó mới có được một đội ngũ bác sĩ giỏi ở lại Việt Nam.
Nhiều khi tôi vẫn hay nghĩ về câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.
Ngày 30.4.1975 có thể với con tôi đó là một ngày buồn vì ba chúng mất hết mọi thứ. Ngay đứa con út của tôi mãi một tháng sau mới biết ba mình là ai. Riêng tôi giờ ngẫm lại thấy không có gì phải buồn vì giờ đây tôi có được tất cả những gì mà mình mất. Điều quan trọng là được sống với người thân, con cháu ngay chính ở quê hương mình.
Bình luận (0)