'Giữ tên luật Hợp tác xã như làm luật vũ khí lại đặt tên luật súng trường'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/11/2022 15:07 GMT+7

Thảo luận luật Hợp tác xã sửa đổi sôi động với cuộc tranh luận về tên gọi: luật Hợp tác xã như cũ cho thân thuộc hay luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cho phù hợp với sự phát triển?

Làm luật về vũ khí không thể đặt tên luật súng trường "vì quen thuộc"

Sáng 10.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội XV, Quốc hội thảo luận về dự án luật Hợp tác xã sửa đổi.

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất đổi tên dự án luật thành luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Trong khi cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên tên như luật hiện hành.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận trong phiên thảo luận sáng 10.11

gia hân

Nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất nói trên của Chính phủ. Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng tên gọi dự luật quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả. Quan trọng nhất vẫn là nội dung luật phải tạo được động lực để hợp tác xã phát triển. Không phải vì tên gọi mà hợp tác xã sẽ khác hơn.

Đại biểu Hà Nam kiến nghị giữ tên gọi như luật hiện hành là luật Hợp tác xã sửa đổi vì luật chủ yếu quy định về hợp tác xã, còn thực thể khác cũng chủ yếu quy định để xác lập tên gọi chứ không có nội dung chi tiết mang tính đặc thù gì nhiều.

Cũng đồng tình giữ tên luật Hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng việc giữ nguyên tên luật vẫn đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với loại hình hợp tác xã.

Cạnh đó, khái niệm hợp tác xã gắn liền lịch sử phát triển của Việt Nam, từ lâu đã được sử dụng trong công tác tuyên truyền, vận động. Do đó, việc giữ nguyên tên luật Hợp tác xã sẽ tránh xáo trộn và đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Tranh luận với nhiều đại biểu có ý kiến giữ tên luật Hợp tác xã, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết hiện đã hình thành có 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã do đó tên gọi không nên là luật Hợp tác xã.

“Những loại hình kinh tế hợp tác giống như chúng ta nói là vũ khí thì chúng ta có đại bác, có súng trường, có súng gắn trên tàu tàu chiến và có súng gắn trên máy bay… Chúng ta không thể làm luật về vũ khí lại đặt tên luật về súng trường được vì súng trường chỉ là một trong các loại loại vũ khí mà thôi, cho dù chúng ta rất yêu mến súng trường, thường sử dụng nên rất nhớ đến nó”, ông Nghĩa ví von.

Nhấn mạnh tên gọi phải tương ứng với nội dung và đối tượng điều chỉnh, ông Nghĩa cho rằng, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác là hết sức chính xác và đây cũng là một nguyên tắc lập pháp, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi nó phải đủ để bao trùm.

“Nếu chúng ta trở về tên gọi luật Hợp tác xã thì như tôi vừa nói là luật về vũ khí và chúng ta lại đặt cho nó tên là luật về súng trường”, ông Nghĩa phân tích.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Giữ tên luật HTX như làm luật vũ khí lại đặt tên luật súng

Học Bác là học tinh túy, cốt lõi, không phải bắt chước

Phát biểu sau đó, nhiều đại biểu bày tỏ “rất hiểu” ý kiến của ông Nghĩa, song vẫn cho rằng, nên để nguyên tên luật là luật Hợp tác xã.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nói “cả lý trí và tình cảm” ông đều mong muốn giữ nguyên tên gọi luật Hợp tác xã.

Lý do là các loại hình kinh tế hợp tác trên thực tế chỉ là các hình thức liên kết của hợp tác xã. Loại hình tổ hợp tác cũng là hình thức sơ khai của hợp tác xã. Cho nên dùng tên gọi là luật Hợp tác xã, là đủ bao trùm tất cả các chủ thể trong luật này.

Ông Vũ Tiến Lộc tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa

gia hân

Với tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác, ông Lộc nói là khái niệm không có trong Hiến pháp lẫn bộ luật Dân sự. “Bây giờ chúng ta đưa vào luật một tên không có trong Hiến pháp, không có trong luật Dân sự thì chúng ta cũng nên cẩn trọng”, ông Lộc nêu.

Lý do thứ 3, theo ông Lộc, hợp tác xã là tên gọi đã đi vào lịch sử, trở thành thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam. Ông Lộc cũng cho rằng, Bác Hồ là người đã có công lao đưa tư tưởng hợp tác xã, mô hình hợp tác xã vào Việt Nam chính là Bác Hồ. Bác đã viết về hợp tác xã, dành hẳn một chương trong Đường cách mạng năm 1927 và suốt trong cuộc đời Bác luôn luôn quan tâm, chỉ đạo phong trào hợp tác xã.

Đây chính là một mô hình vừa thể hiện bản chất của nền kinh tế thị trường, lại vừa thể hiện được tính chất xã hội chủ nghĩa của một nền kinh tế mà chúng ta đang theo đuổi. Cho nên, tôi nghĩ là giữ lại tên là hợp tác xã cũng là tên mà Bác Hồ đã dùng và Đảng ta đã dùng trong những năm qua và nó vẫn bao trùm được tất cả những nội dung mà chúng ta định đề cập trong luật này”, ông Lộc nêu.

Giơ biển tranh luận lần 2, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ví dụ ông cho là rất dễ thấy: ngày xưa chúng ta có luật Công ty, sau đó chúng ta có luật Doanh nghiệp tư nhân, luật Doanh nghiệp nhà nước, sau này chúng ta đặt tên luật là luật Doanh nghiệp gồm tất cả những loại hình đó.

“Tuy rằng công ty hiện nay vẫn là loại hình chủ yếu trong doanh nghiệp nhưng không phải vì nó là loại hình chủ yếu, tên gọi này ra đời đầu tiên, cho nên chúng ta gọi đó là luật Công ty mà chúng ta phải gọi nó là luật Doanh nghiệp”, ông Nghĩa phân tích.

Cũng theo đại biểu TP.HCM, luật phải mở hành lang pháp lý chứ không chỉ điều chỉnh những gì hiện có. Trước khi chúng ta làm luật Công ty thì làm gì có công ty, trước khi có luật Tư nhân thì làm gì có doanh nghiệp tư nhân. Nhờ chúng ta làm 2 luật đó thì mới ra đời các loại hình đó.

Theo ông chính việc mở một hành lang pháp lý cho tương lai, luật mới tồn tại lâu dài, ít sửa đổi.

“Chúng ta cứ rượt theo sự phát triển, thậm chí chậm chân hơn sự phát triển, do đó chúng ta phải sửa luật rất nhiều lần”, ông Nghĩa nói.

Với đại biểu Vũ Tiến Lộc, ông Nghĩa cho rằng, học Bác Hồ là chúng ta học bằng trái tim và bằng lý trí, chúng ta học cái tinh túy, cái cốt lõi.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn và bền vững chính là nhờ tinh túy và cốt lõi. Tôi không nghĩ rằng Bác Hồ khuyến khích chúng ta đi bắt chước Bác. Chính Bác khi sinh thời đã từng nói là có những cái không nên bắt chước Bác”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Luật Hợp tác xã mới được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.