Đó là thắc mắc của học sinh tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến năm 2024 Chọn ngành học cho tương lai với chủ đề "Sức hút khối ngành sức khỏe" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.3.
Tại chương trình, một học sinh ngụ ở TP.HCM đặt câu hỏi: “Giữa 2 ngành bác sĩ đa khoa và bác sĩ răng hàm mặt thì ngành nào hot hơn và có thu nhập cao hơn? Em có thể xét tuyển học bạ trước rồi sau này xét tiếp điểm thi tốt nghiệp THPT vào 1 trong 2 ngành này hay không?”
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận định: “Thu nhập không phụ thuộc vào ngành học mà phụ thuộc vào năng lực của các em. Nếu em học y đa khoa và trở thành một bác sĩ giỏi, có uy tín thì sẽ nhiều người tìm đến điều trị, từ đó em sẽ có cơ hội thu nhập cao”.
Còn với ngành răng hàm mặt, tiến sĩ Hải cho rằng các bác sĩ ngành này dễ có điều kiện thực hiện hoạt động thương mại hơn. Ví dụ, người tốt nghiệp ngành răng hàm mặt có thể mở phòng nha khoa với cơ hội thu nhập tốt.
“Khi đăng ký ngành học, các em đừng vội nghĩ tới việc ngành nào có thu nhập cao hơn mà hãy lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. Khi đậu rồi thì hãy học thật tốt, làm nghề thật giỏi, có đầy đủ chuyên môn, kỹ năng và sự nỗ lực thì cơ hội thu nhập cao sẽ đến”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Vì sao ít có hiện tượng "ảo" với khối ngành sức khỏe?
Tiến sĩ Nguyễn Phương Tùng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng đưa ra lời khuyên thí sinh không nên chọn ngành học vì thấy người khác làm nghề đó "hot" và có thu nhập cao, mà hãy nhìn xem ngành nghề đó có đem lại giá trị gì cho xã hội, có mang lại điều gì cho những người xung quanh. Từ đó làm tốt nó và tự nhiên nó sẽ quay lại nuôi dưỡng chính bạn.
"Bất cứ ngành nghề nào cũng chứa đựng những khó khăn thử thách, nhưng nó sẽ mang lại cho bạn trái ngọt nếu bạn đầu tư đúng đắn và nỗ lực để hoàn thiện. Thử thách mà bạn vượt qua sẽ giúp bạn có một vị thế trong nghề", tiến sĩ Tùng nhận định.
Về xét tuyển, tiến sĩ Hải lưu ý có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thí sinh có thể dùng kết quả học bạ hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tham gia phương thức xét tuyển sớm.
“Các em cần đọc kỹ phương án xét tuyển của trường mà mình muốn đăng ký, vì có nơi học bạ dùng điểm 5 học kỳ có nơi 3 học kỳ, và điểm thi đánh giá năng lực mỗi trường cũng quy định khác nhau. Khi có tên trong danh sách trúng tuyển có điều kiện, đến thời điểm Bộ GD-ĐT mở hệ thống đăng ký xét tuyển, thí sinh phải lên hệ thống đăng ký ngành mà em đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1”.
Ngoài ra, ở một số trường, thí sinh cũng có thể dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để tham gia xét tuyển ngành sức khỏe nếu kết quả đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
Bình luận (0)