Giữa biến động địa chính trị, Liên Hiệp Quốc bước vào kỳ họp đầy thách thức

19/09/2022 14:00 GMT+7

Xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng lương thực toàn cầu dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận khi lãnh đạo các quốc gia gặp nhau tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York trong tuần này.

Kỳ họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã khai mạc hôm 13.9 nhưng tuần này mới là tâm điểm của sự kiện với hoạt động Thảo luận chung diễn ra từ ngày 20 đến ngày 26.9. Lãnh đạo một số chính phủ, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe BidenTổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sẽ có bài phát biểu.

Chiến sự ở Ukraine dự kiến sẽ là chủ đề chi phối các phiên họp và các cuộc gặp, mặc dù nhiều nước đang phát triển kêu gọi sự quan tâm đúng mức dành cho các vấn đề cấp thiết khác như dịch bệnh, khủng hoảng lương thực toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Ukraine và chia rẽ địa chính trị

Theo The Wall Street Journal, nhiều quốc gia ​​sẽ gia tăng áp lực lên Nga trong các hoạt động xuyên suốt tuần này ở trụ sở LHQ vì chiến dịch quân sự mà Moscow phát động ở Ukraine từ cuối tháng 2. Pháp sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Ukraine. Một cuộc họp vào ngày 20.9 sẽ xem xét tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu mà xung đột Nga - Ukraine là một phần nguyên nhân.

Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu về việc đặc cách cho Tổng thống Zelensky phát biểu từ xa

afp

Hôm 16.9, Đại hội đồng bỏ phiếu cho phép Tổng thống Zelensky gửi bài phát biểu được ghi hình trước để phát tại sự kiện. Quyết định đã được thông qua với 101 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 19 phiếu trắng. Nga đã phản ứng với quyết định trên.

Song kỳ họp khó có thể tạo ra bất cứ kết quả nào hướng đến việc chấm dứt xung đột, theo các quan chức. Trong khi đó, những chia rẽ mang tính địa chính trị, vốn đã trở nên gay gắt bởi cuộc chiến đã kéo dài 7 tháng, nhiều khả năng sẽ được thể hiện rõ nét ​​khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cạnh tranh với Nga để có được ảnh hưởng ngoại giao.

Xung đột Ukraine phủ bóng Liên Hiệp Quốc trong kỳ họp đầy thách thức

"Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng chúng ta sắp có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đề cập đến tình hình ở Ukraine hôm 17.9. Theo ông, "cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình là rất nhỏ vào thời điểm hiện tại".

Ông Guterres cho rằng chia rẽ địa chính trị đang ở mức "lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh" và "làm tê liệt phản ứng toàn cầu đối với những thách thức gay gắt mà chúng ta phải đối mặt", bao gồm chiến tranh, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết bà không có kế hoạch gặp gỡ các nhà ngoại giao Nga.

Cũng theo bà Thomas-Greenfield, Mỹ có kế hoạch thảo luận với các nước khác về việc cải tổ LHQ và Hội đồng Bảo an, sau những thất bại của phương Tây trong việc thông qua nghị quyết chống lại Nga, một trong 5 nước có quyền phủ quyết tại hội đồng. Bà nói một trong các phương án là gia tăng số lượng thành viên của Hội đồng Bảo an hiện bao gồm 15 nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết đến nay Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nhận được lời mời tham gia 20 cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác, theo Reuters. Bà nói Nga sẽ ủng hộ "việc tăng cường vai trò điều phối mang tính trung tâm của LHQ trong các vấn đề thế giới và tuân thủ nghiêm ngặt hiến chương của tổ chức này, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của họ". Ông Lavrov dự kiến phát biểu trước Đại hội đồng vào ngày 24.9.

Những thách thức khác

Song kỳ họp sẽ không chỉ tập trung vào Ukraine. Theo Đại sứ Thomas-Greenfield, nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ tập trung vào Ukraine mà không chú ý đến những gì đang xảy ra trong các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới. "Chúng tôi sẽ không chỉ tập trung vào mỗi Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ qua Ukraine", bà nói.

Đại sứ Mỹ cho biết các nhà ngoại giao muốn đạt được tiến bộ về Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Việc giải quyết những vấn đề đó đã bị cản trở bởi chiến sự ở Ukraine và các cuộc xung đột khác, cũng như căng thẳng giữa các cường quốc.

Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn, và LHQ cho rằng xung đột giữa hai nước là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn đã chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres

reuters

Mỹ sẽ đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực với Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) bên lề kỳ họp, cùng với cuộc họp bàn kế hoạch hành động toàn cầu đối phó Covid-19 và hội nghị tìm cách bổ sung Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét.

"Ẩn dưới rất nhiều cuộc họp này sẽ là căng thẳng lớn giữa các nước phương Tây và các nước Nam bán cầu", Richard Gowan, giám đốc LHQ tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), bình luận.

"Vẫn còn nhiều cảm giác khó chịu về các vấn đề như triển khai vắc xin Covid, tài chính ứng phó vấn đề khí hậu… và bây giờ là giá thực phẩm. Tất cả những vấn đề này đang nới rộng khoảng cách giữa các quốc gia thành viên LHQ", ông Gowan nói.

Ngoại trưởng Lavrov, người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cũng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã đến thăm các quốc gia châu Phi trong vài tháng qua, trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng. Châu Phi đã bị ảnh hưởng nặng nề với nạn đói dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Somalia trong những tháng tới.

Ông Macron dự định sử dụng hai ngày ở New York để vận động các quốc gia vẫn trung lập trong xung đột ở Ukraine đứng về phía phương Tây, các quan chức Pháp cho biết. Theo đó, Điện Elysee sẽ tập trung vào Ấn Độ, các nước Vùng Vịnh, châu Phi và một số nước Mỹ Latinh.

Tổng thống Biden dự kiến phát biểu trước Đại hội đồng vào ngày 21.9, sau khi trở về từ tang lễ nữ hoàng Anh Elizabeth II. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre từ chối bình luận về chi tiết bài phát biểu hiện vẫn đang được chỉnh sửa, nhưng các quan chức dự đoán rằng ông Biden sẽ công bố thêm viện trợ về lương thực và chỉ trích Nga.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng sẽ đến New York và phát biểu. Trong khi không có khả năng Tehran và Washington sẽ vượt qua bế tắc để sớm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran sẽ tận dụng sự kiện này để giữ cho quả bóng ngoại giao vẫn tiếp tục lăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.