Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Hà Lan trong chuyến thăm dự kiến kéo dài 2 ngày. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp thăm cấp nhà nước tại Hà Lan sau 23 năm, theo AFP.
Khi phát biểu tại một nhà hát ở thành phố The Hague ngày 11.4, ông Macron đã đối mặt với những tiếng la ó của một nhóm người biểu tình. Từ tầng trên của nhà hát, họ hét lớn "Nền dân chủ Pháp ở đâu", đồng thời giương biểu ngữ ghi "Tổng thống bạo lực và đạo đức giả".
Ông Macron đã cố gắng trả lời khi họ la ó, và sau khi các nhân viên bảo vệ đưa họ ra khỏi nhà hát, nhà lãnh đạo Pháp nói rằng những người làm "bất cứ điều gì (họ) muốn" để chống lại các luật mà họ không đồng tình sẽ "khiến nền dân chủ gặp nguy hiểm".
Suốt nhiều tuần qua, ông Macron đã phải đương đầu với thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông vì quyết tâm thay đổi chính sách hưu trí. Trong một động thái gây tranh cãi lớn, chính phủ của ông đã qua mặt quốc hội để thông qua dự luật nâng tuổi hưu từ 62 lên 64, giữa lúc phong trào biểu tình đang sôi sục trên đường phố.
Vì sao các nước châu Âu phải đối mặt với tình trạng biểu tình và căng thẳng chính trị?
Không chỉ vậy, chuyến thăm Hà Lan đã khởi đầu một cách sóng gió còn vì một lý do khác. Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, ông Macron nói rằng châu Âu không nên chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Phát biểu này lập tức gây nhíu mày ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết liên minh với Mỹ là "nền tảng lớn nhất" của an ninh châu Âu. "Một số nhà lãnh đạo phương Tây mơ ước được hợp tác với tất cả các nước, với Nga và với một số cường quốc ở vùng Viễn Đông", ông nói mà không nêu đích danh.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio viết trên Twitter rằng "chúng ta cần tìm hiểu xem liệu ông Emmanuel Macron có lên tiếng cho châu Âu hay không".
Điện Elysee ngày 11.4 khẳng định ông Macron chưa bao giờ kêu gọi châu Âu giữ "khoảng cách bình đẳng" với Mỹ và Trung Quốc. "Mỹ là đồng minh của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ những giá trị chung", văn phòng tổng thống Pháp cho biết.
Pháp bác thông tin cử lính đặc nhiệm đến Ukraine
Trong bài phát biểu về tương lai châu Âu tại The Hague, ông Macron không nhắc đến Đài Loan mà thay vào đó nhấn mạnh việc châu Âu cần thúc đẩy kinh tế và an ninh của chính mình trong thời kỳ xung đột và bất ổn.
Bình luận (0)