Giữa tâm bão tranh quyền, Hòa Bình khởi công dự án đầu tư gần 600 tỉ đồng

06/01/2023 10:56 GMT+7

Ngày 5.1 tại Long An , Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã khởi công xây dựng gói thầu HK1 Dự án phát triển công nghiệp Xenia 1 do Công ty TNHH Xenia 1 (thuộc BWID) làm chủ đầu tư, tọa lạc tại Khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An.

Dự án là nhà kho chứa hàng hóa có quy mô gồm 2 tầng cao và 2 tầng lửng, tổng diện tích xây dựng hơn 85.000m2. Hòa Bình là nhà thầu chính thi công xây dựng nhà kho, công tác hạ tầng kỹ thuật, hạng mục phụ trợ và tất cả các công tác cơ điện khu HK1, tổng giá trị gói thầu là 577,5 tỉ đồng và được thi công theo tiêu chuẩn Leed Gold. Đây cũng là dự án thứ 4 Hòa Bình được chủ đầu tư BWID tin tưởng hợp tác, trước đó Hòa Bình đã và đang thi công các dự án của BWID tại Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương; được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, thiện chí hợp tác và uy tín.

Ông Lê Viết Hiếu, Phó tổng giám đốc thường trực (áo đen) tại lễ khởi công

K.N

Cùng ngày, tại lễ công bố chính thức Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2022 do Vietnam Report tổ chức, Hòa Bình là doanh nghiệp được xếp thứ hạng 126 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xếp thứ hạng 58 trong danh sách Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đây là năm thứ 16 liên tiếp báo cáo được công bố nhằm tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nước nhà.

Hiện tại, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang trong biến động "tranh" vị trí Chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Viết Hải, người sáng lập cũng như giữ vị trí này suốt gần 35 năm qua và ông Nguyễn Công Phú, người được đích thân ông Hải mời về làm việc tại tập đoàn hơn 1 năm trước.

Tập đoàn Hòa Bình khởi công dự án gần 600 tỉ đồng

K.n

Chuyện bắt đầu từ việc ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT để tạo điều kiện cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải nắm giữ ghế tổng giám đốc nhằm đáp ứng tính pháp lý theo luật Doanh nghiệp hiện hành, người nắm giữ chức vụ tổng giám đốc không được có quan hệ là người có gia đình với người quản trị doanh nghiệp. "Hòa Bình đang trống chức vụ tổng giám đốc và Hiếu cũng trong tình trạng danh không chính, ngôn không thuận. Lên tổng giám đốc cho Hiếu có điều kiện phát huy vai trò của mình hơn" - ông Lê Viết Hải giải thích sau khi từ nhiệm. Đồng thời với việc này là bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập làm chủ tịch HĐQT từ 1.1.2023.

Thế nhưng chưa đến ngày bàn giao chính thức, Hòa Bình công bố Nghị quyết 53 ngày 31.12.2022 được HĐQT thông qua về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký 12.12.2022) chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ 1.1.2023 cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. Đồng thời, hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng sáng lập do ông Hải đứng đầu trước đó. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ chủ tịch HĐQT.

Ngay sau đó là cuộc "chiến" trên nhiều phương tiện truyền thông về việc ai mới là chủ tịch chính thức của Hòa Bình giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên liên quan đến vụ việc này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định, xét trên khía cạnh pháp lý thì hiện nay theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ông Lê Viết Hải vẫn đang là chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Hòa Bình. Dù trước đó Nghị quyết HĐQT công bố bầu ông Nguyễn Công Phú đảm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của công ty nhưng thời điểm có hiệu lực hay chuyển giao chính thức cũng chưa thực hiện. Tập đoàn Hòa Bình hiện đang là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên sẽ tuân thủ theo quy định của luật Doanh nghiệp, đồng thời theo điều lệ đã được cổ đông thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.