Gấp rút chằng chống nhà cửa
Sáng 26.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bắt đầu có mưa lớn. Lực lượng chức năng cùng người dân gấp rút chằng chống nhà cửa, chuẩn bị di dời đến nơi an toàn để ứng phó bão Trà Mi.
Từ ngày 25.10 đến sáng 26.10, hầu hết lực lượng biên phòng tuyến biển thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đến những điểm xung yếu để giúp đỡ người dân.
Tại xã Tam Thanh và Tam Tiến (H.Núi Thành) hơn 20 cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Thanh chia từng tốp đến những nhà dân yếu thế hỗ trợ chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền lên bờ an toàn. Các bao cát, bao ni lông đựng nước được đưa lên giằng mái nhà tôn phòng gió bão.
Bão Trà Mi (bão số 6) gây mưa lớn ở miền Trung
Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Lâm Văn Quân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Thanh, cho biết để ứng phó bão Trà Mi, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chủ động, huy động lực lượng, cùng với địa phương tham gia hỗ trợ giúp đỡ người dân tại 3 xã do đơn vị phụ trách. Ngoài ra, đơn vị chuẩn bị lương thực, thực phẩm sẵn sàng đón bà con sơ tán đến đồn.
"Những ngày qua, chúng tôi đã huy động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với công an, dân quân trên địa bàn xã hỗ trợ người dân ứng phó với bão số 6. Công tác sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm sẽ hoàn thành trước 18 giờ hôm nay. Đồn cũng đã lên phương án di dời khoảng 8.000 người dân đến ở xen ghép nếu như bão mạnh lên cấp 14", thượng tá Quân nói.
Đang bơm nước vào bao để chằng chống nhà cửa, ông Trần Văn Tám (52 tuổi, ở thôn Ngọc An, xã Tam Tiến, H.Núi Thành), cho biết miền Trung năm nào cũng gánh chịu bão lớn, dù có kinh nghiệm phòng chống thiên tai nhưng chưa bao giờ người dân chủ quan.
"Nhà tôi ở ven biển, khi bão đổ bộ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Để giảm thiệt hại tối đa, hai ngày qua được sự hỗ trợ của các lực lượng, nhà của gia đình tôi đã được chằng chống xong", ông Tám nói.
Mưa lớn dễ gây ra sạt lở, lũ quét
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ 13 giờ ngày 26.10 đến 13 giờ ngày 28.10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía tây bắc tỉnh phổ biến từ 130 - 300 mm, có nơi trên 350 mm; các địa phương vùng núi phía tây nam và vùng đồng bằng phổ biến từ 170 - 350 mm, có nơi trên 450 mm.
Từ đêm 26.10, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14, sóng biển cao 3 - 5 m; vùng gần tâm bão 5 - 7 m, biển động dữ đội.
Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư…
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để ứng phó bão Trà Mi, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, cửa sông, ven biển; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Ngoài ra, yêu cầu tổ chức cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10 giờ ngày 25.10, cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường…
Bình luận (0)