Giúp học sinh biết quản lý cảm xúc và các mối quan hệ xã hội

14/06/2022 08:00 GMT+7

Sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, hệ thống giáo dục trên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan việc học sinh thiếu hoặc mất các kỹ năng quản lý cảm xúc và xử lý mâu thuẫn cơ bản trong học đường.

Thời điểm thích hợp

Ở VN, trong thời gian gần đây báo chí và mạng xã hội cũng đưa tin về nhiều sự việc đau lòng xảy ra đối với các học sinh (HS). Trong bối cảnh này, có một xu hướng mới để HS học tập về quản lý cảm xúc và các mối quan hệ xã hội (social emotional learning - SEL) nhằm giúp các em hiểu rõ và quản lý được sức khỏe tinh thần của mình, vượt qua được các căng thẳng và mệt mỏi sau đại dịch.

Sau khi được học và rèn luyện theo hướng này, HS sẽ nhận biết và quản lý được các cảm xúc của mình như buồn, vui, chán nản, hứng khởi hay căng thẳng. HS cũng sẽ biết cảm thông, chia sẻ và tôn trọng người khác; sẽ giao tiếp hiệu quả và phát triển được các mối quan hệ tốt với người thân trong gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, cũng như khả năng lãnh đạo.

Ở VN, chúng ta có truyền thống tập trung vào việc giúp HS hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập có tính chất học thuật mà chưa chú trọng nhiều trong việc hỗ trợ HS học tập và rèn luyện về khía cạnh quản lý cảm xúc và quản lý các mối quan hệ xã hội. Trong bối cảnh HS và cả xã hội vừa trải qua hai năm có nhiều khó khăn và áp lực do Covid-19, đây có thể là thời điểm thích hợp để chúng ta đa dạng hóa các hoạt động học tập cho HS, sinh viên để họ có hiểu biết, quản lý hiệu quả hơn cảm xúc và các mối quan hệ xã hội của mình.

Nên tạo ra môi trường gia đình, lớp học và cộng đồng để học sinh có cảm giác mình được lắng nghe, chia sẻ

NGỌC DƯƠNG

Lợi ích của các hoạt động này là tăng cường sức khỏe tinh thần của người học, giúp họ đối mặt tốt hơn với các rủi ro do căng thẳng và mệt mỏi do áp lực học tập và xã hội gây ra. Học tập về cảm xúc và xử lý các mối quan hệ xã hội cũng là một cách chuẩn bị rất tốt cho cuộc sống lúc trưởng thành của người học.

Một số hoạt động có thể áp dụng

Đưa các hoạt động để giúp HS học về quản lý cảm xúc và rèn luyện sức khỏe tinh thần vào các trường học và xã hội là một quá trình lâu dài, cần sự chung sức của những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các cấp cũng như các gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên có một số hoạt động mà các cơ sở giáo dục, cộng đồng và gia đình có thể tiến hành được ngay.

Trong một báo cáo mới đây về SEL, giáo sư về sức khỏe tinh thần, Christina Cipriano từ ĐH Yale (Mỹ) và các cộng sự có đưa ra một loạt các gợi ý hành động cho các nhà giáo dục và gia đình nhằm giúp HS có kiến thức, kỹ năng về mảng sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ xã hội.

Chẳng hạn, chúng ta nên thường xuyên hỏi thăm con em mình về những cảm xúc mà các em đang trải qua và có những an ủi, động viên kịp thời giúp các em vượt qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực hay căng thẳng. Một số trường ở phương Tây thường xuyên làm việc này bằng cách dùng các thẻ màu xanh, vàng, đỏ để kiểm tra sức khỏe tinh thần của HS.

Những HS đang cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, chán nản sẽ chọn thẻ màu đỏ. Trong trường hợp đó, các thầy cô giáo và cán bộ tư vấn tâm lý trường học sẽ trò chuyện với các HS đó và có các giải pháp phù hợp để giúp các em giải tỏa căng thẳng và trở lại trạng thái sức khỏe tinh thần khỏe mạnh…

Cha mẹ đừng chỉ hỏi han con về kết quả học tập

Để việc đưa được các hoạt động SEL như là một thành phần quan trọng trong quá trình học tập trưởng thành của HS, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ cấp hoạch định chính sách, cho tới từng lớp học, từng giáo viên và gia đình.

Về mặt vĩ mô, cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần tạo điều kiện để các hoạt động học tập về quản lý cảm xúc và quan hệ xã hội được lồng ghép trong những tiết học về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở cấp độ trường học, lớp học, các thầy cô giáo cần chú trọng hơn tới việc theo dõi sức khỏe tinh thần và cảm xúc của HS. Về phía gia đình, cha mẹ và các thành viên cần không chỉ lưu tâm tới kết quả học tập các môn văn hóa mà còn phải quan tâm tới các trạng thái cảm xúc và chất lượng các mối quan hệ. Nếu chỉ hỏi han kết quả học tập mà không để tâm tới những vui buồn, căng thẳng, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, các em sẽ dễ cảm thấy bị xa cách, bị gây áp lực mà không được sẻ chia, thông cảm. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những hệ lụy khôn lường ảnh hưởng tới sự trưởng thành và khả năng tự lập hiệu quả của các em sau này.

Nếu triển khai hiệu quả, các hoạt động này sẽ giúp HS vượt qua được những cảm xúc tiêu cực, những căng thẳng do áp lực học tập các môn học thuật, cũng như biết cách xây dựng và cải thiện các mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, các bạn trong lớp và các thành viên trong xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.