Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường

02/01/2025 14:08 GMT+7

Trường THPT Pleiku (TP.Pleiku, Gia Lai) áp dụng mô hình 'giờ ra chơi không điện thoại' từ năm học 2024 – 2025, giúp học sinh kết nối với nhau và hứng khởi hơn khi đến trường nhờ các hoạt động văn nghệ, thể thao

Đầu mỗi buổi học, tất cả học sinh Trường THPT Pleiku cất điện thoại vào chiếc tủ kính được thiết kế riêng, do lớp trưởng phụ trách kiểm tra số lượng, quản lý trong suốt giờ học. Toàn trường có 30 phòng học, mỗi phòng được trang bị 1 tủ kính để học sinh cất điện thoại.

Trước khi bỏ điện thoại vào tủ, học sinh đều tắt chuông để tránh gây ảnh hưởng trong giờ học. Khi cần liên lạc với gia đình, học sinh sẽ được giáo viên hoặc lớp trưởng hỗ trợ và phụ huynh cũng có thể gọi cho giáo viên chủ nhiệm. Nhờ mô hình này, học sinh bớt xao nhãng trong giờ học, tăng thời gian tương tác với bạn bè, thầy cô…

Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường- Ảnh 1.

Ngoài học tập, học sinh Trường THPT Pleiku được nhà trường tạo điều kiện để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao...

ẢNH: TRƯỜNG THPT PLEIKU

Học sinh đến trường với cảm xúc tích cực khi không sử dụng điện thoại

Theo cô Lê Thị Thanh Xuân, Bí thư Đoàn Trường THPT Pleiku, trước đây, tình trạng học sinh sử dụng điện thoại để chơi game, lướt mạng xã hội… khá phổ biến. Vì vậy, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh để phát động phong trào "Tắt điện thoại, tăng kết nối" nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tốt và tạo môi trường học tập tập trung, hiệu quả hơn.

Để khuyến khích các em "cai" điện thoại vào giờ ra chơi, nhà trường đã tổ chức các hoạt động văn nghệ do Câu lạc bộ Văn hóa – nghệ thuật của trường thực hiện. Các chương trình này sẽ diễn ra vào thứ năm và thứ bảy hằng tuần tại sân trường sau tiết học đầu tiên. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động như: múa dân vũ, đá cầu và sắp tới sẽ triển khai thêm hoạt động nhảy sạp…

Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường- Ảnh 2.

Học sinh trao đổi với bạn bè nhiều hơn khi không sử dụng điện thoại vào giờ ra chơi

ẢNH: BÍCH QUYÊN

Đối với học sinh, khi thực hiện phong trào này không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để thay đổi thói quen. Bùi Thu An, học sinh lớp 12A9, chia sẻ: "Lúc đầu, em bất ngờ khi trường phát động phong trào "Tắt điện thoại, tăng kết nối" vì đã quen với việc dùng điện thoại trong giờ giải lao. Nhưng sau một thời gian, em nhận ra mình tập trung học hơn. Thay vì lướt TikTok, Facebook…, các bạn đã tham gia trò chuyện với bạn bè hoặc tham gia các hoạt động nhóm. Cảm giác vui hơn nhiều. Đặc biệt, giờ giải lao trở nên thú vị hơn khi cùng nhau chơi các trò chơi thể thao, âm nhạc… Em thấy các bạn cũng có thái độ tích cực hơn trong học tập và khi đến trường có nhiều niềm vui hơn".

Cùng quan điểm, Nguyễn Vũ Hiếu, học sinh lớp 12A3, cho rằng phong trào này rất hay, giúp học sinh giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại nếu không thật sự cần thiết. Thay vì lướt mạng xã hội, học sinh dành thời gian đó để thảo luận bài tập cùng các bạn. Điều này không chỉ giúp học sinh học tốt hơn mà còn cải thiện mối quan hệ với thầy cô và bạn bè.

Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường- Ảnh 3.

Học sinh có nhiều cảm xúc tích cực khi được tham gia các hoạt động tập thể do nhà trường tổ chức

ẢNH: TRƯỜNG THPT PLEIKU

Tăng kết nối trong môi trường học đường

Theo cô Nguyễn Thị Đông Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Pleiku, nhân cách học sinh hình thành từ rèn luyện bản thân, từ gia đình, từ xã hội và từ giáo dục nhà trường. Yếu tố nào cũng quan trọng. Các thế hệ thầy cô Trường THPT Pleiku luôn cố gắng kế thừa, phát huy truyền thống và nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp học sinh trau dồi kiến thức, bổ sung thêm kỹ năng sống để bước tiếp vào đời sau khi hoàn thành bậc giáo dục THPT.

Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường- Ảnh 4.

Giờ ra chơi, học sinh trao đổi kiến thức, trò chuyện thay vì sử dụng điện thoại như trước đây

ẢNH: BÍCH QUYÊN

"Phong trào "Tắt điện thoại, tăng kết nối", nói thì dễ nhưng để thực hiện là cả vấn đề, bởi trường có hơn 2.000 học sinh, mà mỗi học sinh là một tính cách. Nhưng từ khi có phong trào này, học sinh đã tăng tương tác với nhau, tạo nên một không gian học đường tích cực hơn. Chúng tôi có nhiều ý tưởng để góp phần cho không gian tương tác đó tăng lên. Chẳng hạn, gợi ý cho học sinh chơi các môn thể thao trong giờ ra chơi, sắp tới chúng tôi thành lập các câu lạc bộ như hội họa, âm nhạc… để phát huy cảm xúc và khả năng của các em", cô Hải cho biết.

Giúp học sinh ‘cai’ điện thoại và hứng khởi hơn khi đến trường- Ảnh 5.

Sắp tới, Trường THPT Pleiku sẽ triển khai thêm hoạt động nhảy sạp trong giờ ra chơi

ẢNH: TRƯỜNG THPT PLEIKU

Theo thầy Vũ Văn Đản, giáo viên môn địa lý, từ khi phong trào "Tắt điện thoại, tăng kết nối" được triển khai, học sinh ít bị phân tâm trong tiết học, các em chú ý lắng nghe và tham gia thảo luận sôi nổi hơn. Trước đây, có những tiết học phải nhắc nhở nhiều lần về việc sử dụng điện thoại nhưng bây giờ không còn tình trạng này.

"Quan trọng phong trào này không phải cấm đoán mà giáo dục ý thức tự giác cho học sinh. Việc không sử dụng điện thoại không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn công nghệ trong giáo dục. Thay vào đó, các thầy cô cố gắng sáng tạo hơn trong phương pháp giảng dạy hay tổ chức hoạt động nhóm để tạo không khí sôi nổi, cảm xúc và sáng tạo hơn trong dạy và học", thầy Đản nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.