Giúp học trò vượt qua sang chấn tâm lý

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/07/2020 08:45 GMT+7

Mối quan hệ gia đình, bạn bè, kết quả học tập, những biến cố trong cuộc sống … rất nhiều điều có thể khiến học trò gặp phải các sang chấn tâm lý . Đâu là những giải pháp?

Buổi nói chuyện trực tuyến chủ đề “Tái thiết lập bản thân khi sang chấn tâm lý” mới đây, có sự tham gia của tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương và anh Huỳnh Công Thắng (sáng lập tổ chức quốc tế dành cho người trẻ Lead The Change) thu hút rất đông người trẻ tham gia và đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết có thể nhận diện một người gặp những sang chấn tâm lý như chỉ cần bắt gặp một chi tiết, hình ảnh nào đó gợi nhắc về quá khứ thì run rẩy, co rút người, hồi tưởng quá khứ, trào nước mắt, không kiểm soát được cảm xúc, hoặc giận dữ. Nhiều người không biết mình sống làm gì, có khuynh hướng tự sát, hoang tưởng.
Theo tiến sĩ Phương, học sinh bị sang chấn tâm lý có những biểu hiện như đang học hành, vui chơi bình thường thì gián đoạn, thậm chí không quan tâm sinh hoạt thường ngày, tăng cường phá phách, đả kích người thân, học hành sa sút, có thể hay than phiền sức khỏe như than đau đầu, có em dùng chất gây nghiện, hay đe dọa làm tổn thương bản thân, dễ bị rối loạn giấc ngủ, nếu trẻ nhỏ thì hay mút tay, đái dầm, bám người lớn…
Trong mùa thi, một bộ phận học sinh kết quả không như ý, không vào đúng ngôi trường như kỳ vọng, sự thất vọng về bản thân đi kèm những lời trách móc của gia đình khiến các em khủng hoảng, tiến sĩ Lê Nguyên Phương nói: “Đây không phải là một chứng rối loạn được các chuyên gia chẩn đoán. Đây là một hiện tượng khi một cá nhân “gục ngã” kiệt quệ về tinh thần và thể xác tạm thời không thể thực hiện các hoạt động chức năng bình thường trong ngày khi phải đối diện với một tình huống cực kỳ căng thẳng từ một thách thức trong cuộc sống quá nặng nề cho cả tâm lý và thể lý”.
Làm sao để hỗ trợ học sinh bị sang chấn tâm lý, theo tiến sĩ Phương, cần tạo cho các em một không gian an toàn để các em được bày tỏ suy nghĩ cảm xúc của mình.
“Có người trải qua chấn thương tâm lý nói với tôi, nhiều khi họ chỉ cần một ánh mắt nhìn thông cảm, ôm họ vào lòng, sự đồng cảm giữa 2 con người là đủ. Chúng ta cần nhớ, giúp đỡ người bạn của mình đang bị sang chấn tâm lý có thể chỉ là lắng nghe”, tiến sĩ Phương nói.
Theo tiến sĩ Phương, nhiều người trong chúng ta hay có thói quen vừa nghe bạn kể rồi đưa ngay ra các giải pháp, đôi khi chỉ là những kiến thức, giải pháp lượm lặt từ khắp nơi, trên Facebook hay mạng internet rồi “chỉ giáo”. Nhưng điều người đang bị sang chấn tâm lý cần là được lắng nghe, được cho thấy rằng sự tồn tại của họ có giá trị tuyệt vời, họ có người đang ở đây nghe họ. Sau khi nghe xong, chúng ta bình tâm lại và hãy lên tiếng. Đồng thời, nếu quá trình lắng nghe, thấy người bạn của mình chìm dần trong đau khổ, “xoáy lốc”, hãy “kéo” họ ra đừng để họ bị cuốn vào và gặp tổn thương hơn…
Theo anh Huỳnh Công Thắng, một số ca nhiễm Covid-19 trở lại có thể khiến nhiều người trẻ âu lo hơn, mỗi người trẻ có thể quan tâm, chia sẻ với chính người bạn của mình, hỏi thăm, động viên để mọi người cùng bình tâm, tích cực vượt qua khó khăn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.