Đó là chia sẻ từ ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam khi nói về chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội CropLife Việt Nam triển khai tại Đồng Tháp.
Các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được tập huấn kiến thức để tư vấn cho nông dân |
Croplife |
Thay đổi nhỏ để hưởng lợi ích lớn
Khởi động đầu năm 2022 và chỉ sau 5 tháng triển khai, chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa tại Đồng Tháp.
Xã Bình Thành (H.Lấp Vò), một trong những địa bàn trồng lúa trọng điểm ở Đồng Tháp. Trong đó, HTX nông nghiệp Bình Thành có 339 hộ nông dân tham gia chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trên tổng diện tích 240 ha để so sánh đối chứng với diện tích còn lại.
Ông Cao Trường Thọ, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Bình Thành, cho biết tập quán canh tác cố hữu bao đời nay của nông dân trồng lúa là phun thuốc theo định kỳ theo các mốc 22, 35, 45 ngày sau gieo sạ, trước hoặc sau khi lúa trổ bông. Nhiều loại thuốc thậm chí được trộn lẫn vào nhau để phun chung. Nhưng từ đầu năm nay, nông dân được hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách) thì khối lượng thuốc, số lần phun giảm rất nhiều.
Theo ông Thọ (bên trái), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo ‘4 đúng” giúp các hộ dân giảm nhiều chi phí sản xuất |
Croplife |
Ông Thọ cho biết, cùng mùa vụ năm 2021 chi phi sử dụng thuốc BVTV khoảng 2 - 2,2 triệu đồng/ha nhưng khi áp dụng quy trình sử dụng thuốc theo “4 đúng” thì giảm xuống 1,5 - 1,7 triệu đồng.
Chúng tôi nhẩm tính, chỉ một thay đổi nhỏ trong sử dụng thuốc BVTV, chi phí sản xuất mỗi ha lúa giảm 400.000 - 500.000 đồng/ha nhưng với 240 ha đang thí điểm thì số tiền tiết kiệm lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng quan trọng hơn là cắt giảm được một lượng lớn thuốc BVTV được sử dụng, phát thải ra môi trường.
“Trước đây là bà con cứ phun thuốc dự phòng để phòng ngừa sâu bệnh nhưng như thế là không cần thiết từ vụ này khi nào lúa có sâu bệnh thì mới cần phun thôi”, ông Tường nói.
Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định, chương trình bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nông dân Đồng Tháp. Sự thay đổi nhỏ này mang lại giá trị rất lớn, đây là cơ sở thực hiện mục tiêu lâu dài và quan trọng nhất của chương trình là phải thay đổi được thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân. “Nông dân được trang bị kiến thức, được tư vấn, hỗ trợ sử dụng thuốc BVTV để làm nông nghiệp trách nhiệm hơn thì sẽ xây dựng được vùng sản xuất nông sản an toàn từ đó nâng cao được giá trị nông sản”, ông Điền nói.
Ông Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội nghị sơ kết chương trình tại Đồng Tháp ngày 3.6 |
Croplife |
Chung tay hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, đúng cách
Đánh giá tại hội nghị sơ kết triển khai chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả diễn ra trong ngày 3.6, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng đầu tiên, nông dân thấy rõ nhất là trong bối cảnh giá thuốc BVTV tăng cao, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng thuốc đúng cách giúp họ tiết kiệm chi phí sản xuất. Điều này gián tiếp giúp nông dân có lãi nhiều hơn.
Ông Đạt cho rằng, chương trình đã huy động sự vào cuộc nhiều hơn của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương trong quản lý, tổ chức thanh kiểm tra chất lượng, giám sát thị trường buôn bán, sử dụng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp kết nối chính quyền địa phương với các đại lý buôn bán thuốc BVTV giúp họ hiểu hơn trách nhiệm, quyền lợi trong việc thay mặt các cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc an toàn, đúng sách, không gây ô nhiễm môi trường để phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Bảo khẳng định, mục tiêu của chương trình là giúp nông dân sử dụng an toàn, phát huy tối đa hiệu quả của thuốc BVTV |
Croplife |
“Nông dân được hưởng lợi nhiều nhất trong chương trình này, bởi sử dụng thuốc BVTV an toàn trước hết là bảo vệ sức khỏe chính mình, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có giá trị cao hơn thì nông dân có thu nhập cao hơn”, ông Đạt nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp thành viên CropLife Việt Nam coi chương trình này là một trong các hoạt động trọng tâm và phải tiến hành song song với việc tiếp tục giới thiệu các thế hệ sản phẩm tiên tiến cho nông dân. Đây là hai hợp phần không thể tách rời để giúp phát huy tối đa hiệu quả của các sản phẩm thuốc BVTV, nâng cao thu nhập nông hộ, bảo vệ môi trường, sức khoẻ của nông dân và cộng đồng.
“Qua kết của cụ thể tại Đồng Tháp, CropLife Việt Nam sẽ mở rộng xây dựng mô hình ở các địa phương khác cũng như khuyến khích sự tham gia của các đối tác trong ngành để định hình vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, bền vững cho khu vực ĐBSCL”, ông Bảo nói.
Bình luận (0)