Ngày 5.10, đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội (QH) do Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhằm đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của QH tại TP.HCM, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù.
Cần chính sách khác biệt cho trung tâm tài chính quốc tế
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết phần lớn các chỉ số kinh tế quan trọng trong 9 tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ, như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,85%; thu ngân sách tăng 14,3%; doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%, xuất khẩu đạt 33,82 tỉ USD, nhập khẩu đạt 44,1 tỉ USD, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 6,9%...
Trong 44 nội dung của Nghị quyết 98/2023 của QH, đến nay TP.HCM đã áp dụng 30 cơ chế, 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 7 cơ chế TP đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng và 1 cơ chế xin dừng thực hiện vì có quy định mới thay thế. Ông Mãi đánh giá Nghị quyết 98 đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để TP.HCM tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh. Dù vậy, tiến độ thể chế hóa một số chính sách chưa đạt như chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, tăng tổng mức dư nợ vay không quá 120% thu ngân sách, một số cơ chế vẫn phải trao đổi, xin ý kiến các bộ, ngành.
Ông Phan Văn Mãi cũng nêu 3 nội dung cần báo cáo QH gồm: dự án Vành đai 4 TP.HCM, đề án đường sắt đô thị và đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Về đề án trung tâm tài chính quốc tế, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: Qua tiếp xúc với các tỉ phú nước ngoài về trung tâm tài chính quốc tế, họ không quan tâm đến đất đai, cơ sở hạ tầng hỗ trợ, mà quan tâm đến chính sách, pháp luật thông thoáng. "Cơ chế, chính sách pháp luật cần thông thoáng cho dòng tiền vào và ra. Đó mới là điều cốt lõi", ông Cường đánh giá và đề nghị TP.HCM nghiên cứu kỹ, báo cáo rõ với Bộ Chính trị về các cơ chế, chính sách tài chính phải khác biệt với quy định hiện hành, tham khảo mô hình một số nước trong khu vực.
Metro số 1 TP.HCM sẽ vận hành vào tháng 12.2024
Tắc đâu thông đó
Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương đề nghị TP.HCM cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần chủ động, hỗ trợ TP.HCM để tháo gỡ các vấn đề còn vướng. "TP.HCM có cơ chế đột phá, vượt trội mà vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành, tôi nghe thấy xót xa", ông Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết cả nước đang vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, một trong những vấn đề quan trọng là muốn vươn mình trong kỷ nguyên mới thì trước hết phải vượt qua các điểm nghẽn đang vướng. Riêng với Nghị quyết 98, ông Nên cho biết nghị quyết cho phép trong quá trình thực hiện, nếu vấn đề gặp quy định khác nhau thì ưu tiên vận dụng nghị quyết, nhưng những người đưa ra nghị định rất lo phần hướng dẫn những điều trái luật. "Chúng tôi cũng không dám trách vì họ lo vấn đề an toàn của chính mình", ông Nên chia sẻ, đồng thời cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, QH cần quyết định vấn đề gì, Chính phủ quyết định vấn đề gì, địa phương quyết định vấn đề gì thật rõ ràng để thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết chưa đến 2 tháng, các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước làm việc với TP.HCM đã khẳng định sự quan tâm đến sự phát triển của địa phương. Chủ tịch QH đánh giá cao tình hình phát triển KT-XH, những cách làm mới, quyết tâm mới, khí thế mới của TP.HCM, và chỉ ra những việc địa phương cần quan tâm như tăng trưởng chưa tương xứng, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh quốc tế, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Riêng về đầu tư công, Chủ tịch QH đề nghị phải "mổ xẻ" nguyên nhân vì sao 9 tháng chỉ đạt hơn 20%, xác định đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan, hệ thống chính trị có quyết liệt, quyết tâm làm hay không.
Trước phản ánh của TP.HCM về việc có cơ chế đặc thù nhưng làm gì cũng phải xin ý kiến, Chủ tịch QH cho rằng cần nghiên cứu kỹ vì đã giao quyền phải để địa phương chủ động thực hiện. Chủ tịch QH cũng đề nghị các bộ, ngành, các ủy ban của QH chủ động làm việc với TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần "tắc đâu thông đó, nghẽn ở đâu tháo ở đó".
Bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án Vành đai 4, đề án đường sắt đô thị và trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, Chủ tịch QH lưu ý địa phương cần xác định tư duy, tầm nhìn, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, làm rõ căn cứ pháp lý, đánh giá kỹ đầy đủ tác động.
Bình luận (0)