KINH TẾ CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, nền kinh tế VN vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Cạnh đó, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Cụ thể là xuất khẩu hàng hóa tiếp tục suy giảm với mức giảm mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thật bền vững; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, công nghiệp xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính. Cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), thị trường bất động sản còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Ngoài ra, nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều DN đã bị bào mòn; thị trường lao động gặp khó khăn. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của DN, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay… Đây đều là những vấn đề đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH), những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, DN, người lao động hiện nay thực sự là như thế nào, dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025? Thứ ba, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển KT-XH trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025?
GIẢI TỎA NGHỊCH LÝ
Nêu ý kiến tham luận, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng nền kinh tế VN đang tồn tại nhiều nghịch lý. Thứ nhất, nền kinh tế tốt nhưng động lực tăng trưởng liên tục suy giảm và kéo dài. "Nguyên nhân ngắn hạn có, nhưng động lực bên trong nền kinh tế có vấn đề", ông Thiên nêu và cho rằng đây là vấn đề nhiều chuyên gia đã cảnh báo và phải có nghiên cứu một cách thấu đáo.
Nghịch lý nữa là tình trạng DN tư nhân rất giỏi nhưng chậm lớn, chậm trưởng thành. "Khả năng sống còn của DN vô địch nhưng lại bị tận dụng quá, nên DN vẫn mãi nhỏ, mãi li ti", ông Thiên nhìn nhận. Cho rằng, Đảng nói khu vực tư nhân là động lực quan trọng, nhưng theo ông Thiên suy yếu như vậy thì rất đáng quan ngại.
Chuyên gia này cũng cảnh báo nền kinh tế thừa tiền nhưng "khát" vốn cũng là nghịch lý khi tiền không biến thành vốn được, trong khi DN thì kiệt sức. "Ngân hàng cho vay khó mà người muốn vay không được vay. Kho bạc hàng triệu tỉ đồng nhưng giải ngân đầu tư công dù muốn vẫn chưa cao được. Tiền bị "nhốt", các nguồn lực không thông là mấu chốt vướng mắc của nền kinh tế", ông Thiên phân tích.
Để khơi thông nguồn lực, PGS-TS Trần Đình Thiên khuyến nghị cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, hành chính. Đặc biệt, đảm bảo "tam thông" trong quá trình vận hành hệ thống, gồm: thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế và thông minh vận hành. Cụ thể, ông Thiên đề xuất chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường; đồng thời đặt hàng các tập đoàn kinh tế VN xây dựng các dự án đường sắt tuyến metro nối TP.HCM và sân bay Long Thành.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, thì nhìn nhận dù giữ vững kinh tế vĩ mô, song nền kinh tế VN có nhiều điểm yếu, từ tính phân mảng, tính mở của nền kinh tế cho tới mức độ hội nhập của DN tư nhân trong nước thấp. Điều này khiến VN bỏ lỡ nhiều cơ hội đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng và thịnh vượng quốc gia. Tuy nhiên, điều ông Cung nhấn mạnh là thể chế kinh tế hiện không còn phù hợp để huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả tạo sự bứt phá cho tăng trưởng. "Quốc hội liên tục phải ban hành các chính sách đặc thù cho các địa phương hoặc các dự án trọng điểm quốc gia chứng tỏ các thể chế hiện tại đã không còn phù hợp. Tôi cho rằng chỗ này là yếu nhất của nền kinh tế VN", ông Cung đánh giá.
CẦN NHẤT LÀ NIỀM TIN
Đề cập những rào cản, vướng mắc của DN, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phân tích ít nhất 6 khó khăn mà DN đang đối mặt, từ chất lượng hạ tầng, tiếp cận nguồn lực, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh cho tới chất lượng quy định và thực thi pháp luật… "Khảo sát DN 2022 của VCCI về vấn đề khó khăn nhất mà DN gặp phải thì 55,6% DN trả lời là tiếp cận tín dụng, tăng so với 2021, chỉ hơn 40%", ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, theo ông Tuấn là việc DN sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và chưa được hỗ trợ hiệu quả, hay việc DN tư nhân trong nước còn gặp nhiều bất lợi so với DN xuyên biên giới.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, thì phản biện nhận định về việc DN VN chậm trưởng thành của chuyên gia Trần Đình Thiên. "Không phải DN VN muốn chậm lớn", bà Thủy Tiên nói và nhấn mạnh "trừ một số DN làm liều, sử dụng thuốc "tăng trọng", còn rất nhiều DN chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc vẫn còn bị vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững". Đưa ra nhiều đề xuất về chính sách thuế, lãi suất…, đại diện DN này cho rằng, cần có những nhóm giải pháp cụ thể cho từng nhóm DN khác nhau trên cơ sở đánh giá của cơ quan độc lập. Như vậy, các giải pháp hỗ trợ sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Trong khi đó, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, vấn đề trọng tâm là phải xây dựng niềm tin của DN với môi trường kinh doanh, thể chế chính sách. "Chỉ có niềm tin mới thúc đẩy DN tiến lên. Hiện nay không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà cần phải xây dựng môi trường kinh doanh an toàn cho DN, doanh nhân an tâm phát triển, cống hiến", ông Công nói.
Niềm tin cũng là vấn đề được tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh khi nói về các giải pháp để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ DN vượt khó. "Để DN tin được thì tôi cho rằng nói phải đi đôi với làm, văn bản chính sách phải thực thi đúng như thế. Cái nữa là các nhà lãnh đạo, trong mọi trường hợp phải có phát biểu chạm tới trái tim, khích lệ tinh thần đầu tư, tức là làm cho họ máu đầu tư, vượt qua khó khăn như hiện nay", ông Cung kiến nghị.
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các ý kiến tại diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh cần phải làm mới động lực tăng trưởng cũ, đồng thời tranh thủ, khai thác hiệu quả "ngoại lực", kiến tạo động lực tăng trưởng mới là "chìa khóa" để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.
"Khôi phục, củng cố niềm tin với người dân, DN, người tiêu dùng, tạo luồng sinh khí mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh là thông điệp xuyên suốt tại diễn đàn này. Đây cũng là yêu cầu có tính chất tối thượng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết các ý kiến tại diễn đàn sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho các quyết sách về KT-XH của Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Bình luận (0)