Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 500 m so với mực nước biển, giữa ranh giới TP.Đà Nẵng (phía nam) và tỉnh Thừa Thiên-Huế (phía bắc).
Trước năm 1306, đèo Hải Vân thuộc châu Ô, châu Lý (Rí) của vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành). Sau khi vua Chế Mân (Chăm Pa) cưới Huyền Trân công chúa (đời Trần) đã mang châu Ô, châu Lý (từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam) làm sính lễ. Lúc đó, đèo Hải Vân trở thành biên giới Đại Việt và Chăm Pa. Năm 1402, nhà Hồ xâm chiếm Chăm Pa, mở rộng lãnh thổ đến Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đèo Hải Vân có tầm chiến lược quan trọng vì nằm trên đường giao thông huyết mạch. Từ đây có thể quan sát toàn bộ khu vực biển và đất liền. Vì thế, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây một quan ải ở đỉnh đèo Hải Vân, muốn vượt đèo phải qua cổng vòm (cao 6 m, rộng 8 m, dày hơn 6 m) xây bằng gạch vồ, có sân thượng trên cổng để quan sát và được trang bị vũ khí để trấn giữ.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi Pháp đô hộ đã xây dựng thêm công sự, đồn bốt, nhà ở, biến Hải Vân quan thành cứ điểm quân sự (sau đó, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục sử dụng).
Sau một thời gian dài bị quên lãng, năm 2017, Hải Vân quan được công nhận là di tích cấp quốc gia. Cuối năm 2021, công trình bắt đầu được tu bổ, phục dựng về gần nguyên trạng như thời Nguyễn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Bình luận (0)