Người dân thường gọi là Nhà thờ Con gà vì trên tháp chuông có chú gà trống (bằng hợp kim rỗng, quay quanh trục để chỉ hướng gió). Đây vừa là biểu tượng của nước Pháp (gà trống xứ Gaulle) vừa là biểu tượng truyền trao thông điệp khai minh, tỉnh thức và bình an từ trời cao gửi tới cư dân thành phố sương mù. (Theo kinh Cựu ước, gà trống là biểu tượng của minh tuệ đến từ Chúa trời).
Năm 1920, nơi này chỉ là dưỡng viện và nhà nguyện cho các linh mục. Nhà thờ hiện nay được khởi công năm 1931 và hoàn thành năm 1942. Mặt bằng công trình theo hình thập giá dài 65 m, rộng 14 m, tháp chuông cao 47 m.
Công trình xây theo kiểu mẫu của các nhà thờ ở châu Âu trường phái kiến trúc Roman (*). Chiều ngang nhà thờ chia thành ba nhịp, nhịp giữa rộng và cao hơn. Cửa sổ có vòm cung tròn, tỷ lệ hài hòa, yếu tố trang trí được giảm thiểu. Cửa chính hướng về núi Langbiang. Dọc trên tường nhà thờ có 14 bức phù điêu mô tả khổ nạn của chúa Giê su. Ánh sáng tự nhiên rọi qua 70 ô cửa sổ kính màu tạo nên những không gian đầy màu sắc ảo diệu.
Ngoài ra, ca khúc nổi tiếng Bài thánh ca buồn (nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác năm 1972) cũng lấy bối cảnh từ nhà thờ Con Gà.
(*) Phong cách kiến trúc Roman ra đời khoảng thế kỷ 11 và 12, chủ yếu ở các nước Pháp, Anh, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha.
Bình luận (0)