Thập niên 1920, nơi đây là trại lính, đến năm 1939 chuyển thành Trường Thiếu sinh quân Hỗn hợp Âu - Á (École d'Enfants de Troupe de DaLat). Năm 1957, Giáo hội Công giáo chuyển đổi Trường Thiếu sinh quân thành Viện Đại học (ĐH) Đà Lạt (còn gọi là trường Thụ Nhân, nghĩa là trồng người).
Từ năm 1958 - 1975, Viện ĐH Đà Lạt là cơ sở đào tạo đại học tư thục đầu tiên của miền Nam VN, là không gian văn hóa - giáo dục khai phóng, sáng tạo và tự trị học thuật với ban giảng huấn là các giáo sư hàng đầu Sài Gòn lúc bấy giờ. Các giảng đường, đại học xá được đặt tên dựa theo ý từ Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo như: Thượng Chí (nêu cao chí hướng sống theo nhân nghĩa), Minh Thành (ý chí chân thành, trong sáng), Kiêm Ái (yêu thương mọi người như nhau), Lạc Thiện (vui với điều tốt lành)…
Năm 1976, Viện đổi thành Trường ĐH Đà Lạt và vẫn kế thừa giá trị cốt lõi: "Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc", là trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực Tây nguyên, Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ. Từ năm 2012, trường là một trong 5 trường ĐH ở VN đào tạo lĩnh vực phóng xạ, hạt nhân.
Trường có 40 công trình nằm len lỏi giữa rừng thông, giữa những con đường nhỏ lãng mạn như: đường Thông Reo, đường Anh Đào, đường Hướng Dương… Các công trình được thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp, mỗi khoa có một dáng vẻ đặc trưng riêng tạo thành quần thể kiến trúc giáo dục bình yên và thơ mộng. Tháp Sao cao 38 m được xem là biểu tượng của trường, tòa nhà Khoa Sư phạm được xem là công trình đẹp nhất của trường, là "điểm nóng" chụp hình check-in…
Bình luận (0)