'Chỉ bắt con rùa nhỏ, phải đối diện án hình sự?'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
16/09/2022 05:51 GMT+7

Phú bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi mua bán 2 cá thể động vật rừng thuộc bộ rùa nên bắt giữ, lập biên bản và tạm giữ tang vật liên quan.

Có lẽ đó là câu hỏi của nhiều người, trong đó có Hồ Văn Phú (29 tuổi, trú thôn Làng Cát, xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị), khi mới đây Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án hình sựVi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điều 244 bộ luật Hình sự.

Mua bán 2 chú rùa nhỏ, Hồ Văn Phú đối diện với án hình sự

THANH LỘC

Phú bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi mua bán 2 cá thể động vật rừng thuộc bộ rùa nên bắt giữ, lập biên bản và tạm giữ tang vật liên quan hôm 29.7. Kết quả giám định cho thấy 2 con rùa nhỏ này là rùa hộp trán vàng miền Trung và rùa sa nhân, đều nằm trong danh mục loài nguy cấp qúy, hiếm, cần được bảo vệ.

Những ngày đầu tháng 9.2022, TAND tỉnh Quảng Trị cũng đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên một nữ bị cáo 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Bị cáo, chưa từng có tiền án tiền sự, là người miền núi, nặng gánh gia đình, đã òa khóc tại tòa. Bởi khi mua 4 con tê tê mang về thành phố bán kiếm chút tiền lãi, chị không ngờ cái giá phải trả là 4 năm tù giam. Cũng như nhiều người dân địa phương nơi chị sinh sống vẫn còn nặng suy nghĩ “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”, nên xem chuyện săn bắt, buôn bán động vật nguy cấp, quý, hiếm là chuyện bình thường.

Với các tình huống pháp lý tương tự, song song với những hình phạt và bản án mang tính răn đe, cơ quan chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Việc tổ chức những phiên tòa lưu động xét xử các vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” ở các xã miền núi để người dân thấy “người thật, việc thật” là một gợi ý rất sát sườn.

Và trên tất cả, cần ngăn chặn tận gốc vấn nạn này bằng cách giáo dục người dân từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, như không ăn các món chế biến từ thịt chim, thú rừng; không sử dụng sản phẩm mỹ nghệ, thời trang được chế biến từ động vật hoang dã. Cắt cầu, ắt cắt cung!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.