Có một vị tiến sĩ yêu thích du lịch khám phá đã ví Myanmar là “đất nước hình ngọn lửa” trong một cuốn sách du ký mà ông vừa xuất bản. Sau ông, nhiều người cũng bắt đầu hào hứng và tìm đường đến với Myanmar khi đất nước này vừa mở cửa để khám phá nhiều điều thú vị.
Du khách sẽ có khá nhiều thứ để kể về Myanmar khi kết thúc hành trình. Hoặc là về những ngôi chùa cổ kính hàng ngàn năm tuổi của một vùng đất Phật linh thiêng, về những ngôi chùa dát vàng quý giá của những tín đồ sùng đạo trải dài khắp đất nước, về những người cổ cao, về kiến trúc thuộc địa Anh quốc đặc thù của thế kỷ trước để lại, về một đất nước đầy bụi bặm, đang trong quá trình xây dựng những con đường, những tòa cao ốc... Riêng tôi thích kể về ba thứ be bé thế này: đàn ông ăn trầu, phụ nữ bôi thanaka và phố sách ở đường Pansodan.
Bạn sẽ có một ấn tượng đặc biệt khi đứng nói chuyện với một người đàn ông điển hình của Myanmar, một là chiếc longyi (váy) mà họ đang mặc, hai là người họ phả ra một mùi rất nồng do việc ăn trầu mà ra. Ở đây, đàn ông thích ăn trầu và còn ăn nhiều hơn cả phụ nữ. Trầu bán ở khắp nơi, trong những quầy nho nhỏ trên các tuyến phố hoặc trên tay của những cậu bé bán rong mời mọc tài xế ven các tuyến đường lớn. Tài xế taxi có hẳn một hũ trầu têm sẵn để ăn khi nhạt miệng là chuyện rất bình thường.
Trong khi đó, phụ nữ Myanmar bôi thanaka khắp mặt kể cả ở nhà hay ra ngoài đường. Đó là một cách dưỡng da làm đẹp điển hình của họ. Bột thanaka được mài trực tiếp từ một thân cây cùng tên, bôi trực tiếp lên da vừa có tác dụng chống nắng lại vừa làm mịn da. Mặc dù trên phố cũng có nhiều thiếu nữ Myanmar ăn vận thời thượng, da dẻ trắng hồng xinh xắn nhưng số lượng phụ nữ bôi thanaka vẫn áp đảo.
Dạo chơi ở Yangon vài ngày, điều khiến tôi hứng thú tiếp đến là những phố sách nối dài từ đường Pansodan qua đến đường số 37 trong khu phố cổ với nét kiến trúc thuộc địa đặc trưng. Sách mới, cũ đầy đủ chủ đề từ kiến trúc, y khoa, ngôn ngữ, giáo dục, văn học… chen chúc nhau trên những chiếc kệ cũ kỹ, những sạp kê sát lối đi. Thật dễ dàng để bắt gặp một người đang say mê đọc sách trên vỉa hè.
Tôi cảm thấy rõ sự thèm khát kiến thức và sự kỳ vọng vào những thay đổi đến từ giáo dục của họ bởi nghe đâu đã gần 60 năm nay rồi người dân Myanmar không có được nền giáo dục thực sự. Thậm chí ngay cả đến những tài xế taxi ưa bắt chuyện sẽ không quên giới thiệu về các ngôi trường đại học đồ sộ ở Yangon khi có dịp chở khách du lịch đi ngang qua, như một niềm tự hào của đất nước họ.
Bình luận (0)