Gốc từ đào tạo văn hóa

Ngữ Yên
(thực hiện)
09/04/2023 07:20 GMT+7

Theo TS Nguyễn Thu Thủy (ảnh - Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội), các chuyên gia và nhà quản lý luôn phải sát cánh trong đào tạo văn hóa mới có thể có những thiết kế trang phục, cảnh quan du lịch tốt.

Từ câu chuyện cho thuê trang phục Mông Cổ để khách chụp ảnh ở Hà Giang, bà nghĩ thế nào về việc ngăn chặn và làm thế nào để có sản phẩm tốt?

Muốn có sản phẩm du lịch văn hóa tốt phải xuất phát từ bồi dưỡng đào tạo. Sở Du lịch Hà Nội vẫn phải tổ chức những lớp đào tạo để người dân làm du lịch cộng đồng biết dựa vào văn hóa như thế nào. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bà con nhận biết giá trị di sản, hay có thể khai thác mức độ nào để không bị ảnh hưởng đến di sản. Nó không chỉ gói gọn trong chuyện trang phục mà còn lớn hơn.

Gốc từ đào tạo văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

Thí dụ, đưa khách vào đền chùa thì phải khuyến cáo việc không mặc quần áo ngắn, không mở cửa hậu cung, hậu cung chỉ được mở trong một số ngày nhất định. Các nước trên thế giới, thay vì làm biển cấm không mặc quần áo ngắn thì có những khu cho khách mượn khăn hay váy dài. Ở các nước Hồi giáo, người ta có khăn cho mượn để che tóc chứ không phải che da thịt, vì họ quan niệm tóc là thứ cần che lại. Các cấm kỵ văn hóa đều cần hướng dẫn như thế.

Nhiều tỉnh cũng có tập huấn như vậy, đặc biệt là các nơi làm du lịch cộng đồng. Bản thân chúng tôi cũng có những lớp tập huấn về giao tiếp với khách dành cho bà con chèo đò ở Ninh Bình, các lái tàu du lịch ở Cát Bà - những người trực tiếp giao tiếp với khách. Cơ quan quản lý địa phương cần tổ chức những lớp đào tạo.

Như vậy, không ít địa phương có thể đã quên việc đào tạo ở cộng đồng về giá trị trang phục bản địa?

Không phải chỉ giáo dục cộng đồng đâu, mà còn phải tổ chức giáo dục cho cán bộ địa phương nữa. Tôi đi dạy các lớp ở Thanh Hóa, đó là lớp cho cấp cán bộ trưởng, phó phòng các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch ở cấp huyện, xã. Ở cấp huyện, xã nhiều khi cán bộ vừa làm văn hóa vừa làm du lịch, phải có lớp bồi dưỡng như thế cho họ chứ không phải chỉ cho bà con. Nếu các chuyên gia về cũng chỉ nói được một hai buổi cho bà con thôi, còn quản lý cấp xã, huyện mới sâu sát với bà con hơn, họ cần nghe để hướng dẫn bà con sau này. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cao hơn vẫn cần học thì mới định hướng được.

Theo bà, những bài giảng đó có được cá biệt hóa cho các làng, các vùng hay không?

Có chứ. Khi chúng tôi có đợt dạy về sản phẩm du lịch sáng tạo cho làng nghề, mỗi đợt chúng tôi dạy cho một làng. Bài giảng được xây dựng trên chính đặc tính của làng đó, tức là giảng viên cũng phải nghiên cứu về làng đó trước. Sau đó, trong quá trình trao đổi, mình gợi mở cho bà con về việc khách có thể quan sát văn hóa nào, trải nghiệm văn hóa nào, tham gia văn hóa nào. Ở Hà Nội, chúng tôi có lớp ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, gốm Bát Tràng, làng may vest ở Phú Xuyên, làng Cổ Đô…

Các lớp như vậy, chính quyền có ngân sách để tổ chức hằng năm nhưng chỉ ở một mức độ nhất định, thời gian không dài được. Vì thế, chúng tôi làm việc theo hướng nâng dần trình độ, mưa dầm thấm lâu. Với các đào tạo của UNESCO, lớp có thể có thời gian dài hơn, cầm tay chỉ việc được nhiều hơn. Ở các nước, để làm du lịch cộng đồng, chuyên gia đều phải về từng làng để làm cùng.

Ở Ninh Bình, cũng có người về hướng dẫn ở một số nơi, họ hướng dẫn bà con rất cụ thể. Với dân tộc này, họ hướng dẫn dùng hoa văn này để đưa vào nhà cửa ra sao, để có thể tạo ra dấu ấn văn hóa. Người tổ chức hoạt động đó là một chủ doanh nghiệp, và họ chủ động nhân rộng mô hình đó ra, thay đổi diện mạo các homestay ở những nơi họ chạm vào, rồi họ đưa khách về.

Nói đến chuyện trang phục, nếu khách du lịch chưa thấy bộ của địa phương bắt mắt, ta có cần tổ chức thiết kế các mẫu có hoa văn đặc trưng của địa phương để thích hợp với việc cho thuê chụp ảnh check-in không? Có nghĩa là chủ động thiết kế các sản phẩm đặc biệt.

Năm ngoái, ca sĩ Bông Mai (con gái nhạc sĩ An Thuyên) đi xuyên Việt và chụp ảnh, rồi làm triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ VN. Bạn ấy sưu tập được hơn 50 bộ trang phục dân tộc của 35 dân tộc và khoảng 50 làn điệu dân ca. Trong triển lãm, bạn trưng bày ảnh mình chụp các bộ trang phục đó với chú thích đầy đủ hoa văn ở cạp áo là gì, ở khăn là gì, mũ là gì. Người trẻ đến xem và ô a, ôi sao trang phục dân tộc đẹp thế.

Trong quá trình đi vào các vùng xa xôi cách trở như thế, bạn ấy cũng nhận ra rằng nhiều nơi không còn bộ trang phục truyền thống nữa, đều bị biến đổi rất nhiều. Bông Mai hỏi các cụ bà, người nắm giữ tri thức đó và thấy nhiều khi không còn bộ gốc nữa. Vì thế, nếu không gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc bảo tồn thì đến một lúc nào đó trang phục đó sẽ bị mai một, không ai nói được cho thế hệ trẻ cái nào là văn hóa gốc nữa. Các địa phương cần chú ý việc này.

Giao lưu, du nhập văn hóa là không tránh khỏi nhưng vẫn cần có ý thức như thế. Hoặc các cơ quan quản lý cũng đã nghiên cứu trang phục, nhưng họ lại chưa kết nối được. Ở địa phương, tại các hàng quán bên đường cũng có người bán và cho thuê trang phục. Những người ấy có khi cũng chẳng quan tâm họ bán gì, họ nhập được thì bán, khách có mua thì họ bán chứ chưa chắc đã là do đó là trang phục dân tộc vùng đó. Nếu bán được họ sẽ mua nhiều. Ở các nước, họ cũng có các bên cung cấp trang phục ở các điểm du lịch địa phương. Thường nhà nước sẽ làm điều đó.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.